Hang Thẳm Nàng Màn, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Thẳm Nàng Màn được hình thành do quá trình phong hóa cách đây hàng trăm triệu năm với diện tích khoảng 1.800m2, có cấu trúc dạng vòm, có hệ thống hang ngầm, xuyên thủy và nhũ đẹp.
Ngày 28/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã xếp hạng Thẳm Nàng Màn là di tích Danh thắng cấp tỉnh. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, thường xuyên, không thể bỏ lỡ của du khách khi lên với miền Tây xứ Nghệ.
Ngày 28/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã xếp hạng Thẳm Nàng Màn là di tích Danh thắng cấp tỉnh.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa vùng đất này có Nàng Là con gái út Chẩu Đin (Chúa đất giàu có) vô cùng xinh đẹp như đóa hoa rừng, nết na, giỏi thêu thùa, dệt vải, hát hay, múa đẹp.
Tương truyền rằng khi nghe Nàng Là hát, chim rừng bay qua cũng dừng cánh, khi Nàng Là xuống suối, tôm cá vây lượn quanh đôi bắp chân nõn nà của Nàng.
Nàng Là đã đem lòng yêu say đắm một chàng trai nghèo không cha không mẹ, khỏe mạnh hiền lành, siêng năng, giỏi giang từ việc săn bắn, bẫy chim thú đến công việc đồng áng, nương rẫy.
Chẩu Đin biết được cuộc tình không "môn đăng hộ đối" đã kịch liệt ngăn cấm. Bất chấp sự ngăn cản của cha, hai người vẫn thường xuyên bí mật hò hẹn gặp nhau nơi nương xa, ruộng vắng với lời thề nguyện nên vợ nên chồng. Rồi nàng mang thai với chàng trai nghèo.
Đồng bào Thái nơi đây xem Thẳm Nàng Màn là một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của mọi người dân.
Biết tin, người cha đã đuổi chàng trai ra khỏi mường, sai người bắt con gái nhốt vào hang đá xa bản để giấu kín chuyện con gái mình mang hoang thai cho khỏi hổ thẹn với bản dưới mường trên.
Một mình bị nhốt trong hang tối với cái thai trong bụng và số lượng lương thực ít ỏi mà người cha để lại, rồi cuối cùng đến kỳ "mãn nguyệt khai hoa", Nàng Là một mình xoay sở vượt cạn trong một đêm mưa gió bão bùng, Nàng vượt cạn một mình.
Trong hang núi lạnh lẽo, hai mẹ con Nàng cô đơn, buồn tủi ngày đêm mong ngóng ngày người yêu quay trở lại, nước mắt Nàng tuôn chảy như suối, xuyên qua vách đá ra tận sông cả.
Nàng khóc thương cho phận mình, khóc thương nhớ người yêu, khóc thương cho đứa trẻ vắng bóng cha, cho đến ngày mẹ con Nàng kiệt sức và hóa đá thành khối mang hình "mẹ bồng con".
Thẳm Nàng Màn được hình thành do quá trình phong hóa cách đây hàng trăm triệu năm.
Hình bóng của mẹ con Nàng còn đó, cho đến tận bây giờ vẫn đau đáu nhìn xuống cánh đồng Nà Pha chờ chồng. Không biết chàng trai có trở về tìm Nàng hay không, nhưng bây giờ người Thái đã về Nà Pha lập bản dựng mường, khai phá đất đai để có được cánh đồng màu mỡ năng suất cao nhất "mường Trong" (huyện Con Cuông).
Đồng bào Thái nơi đây xem Thẳm Nàng Màn là một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của mọi người dân, và họ tin rằng các chàng trai cô gái yêu nhau đến cầu may, cầu tình duyên, mong hạnh phúc bên nhau sẽ được linh hồn của mẹ con Nàng phù hộ.
Thẳm Nàng Màn với diện tích khoảng 1.800m2, có cấu trúc dạng vòm, có hệ thống hang ngầm, xuyên thủy và nhũ đẹp.
Đêm hội "Điểm hẹn Nàng Màn" (dự kiến diễn ra tối 27/3) thể hiện sự cảm thương và tưởng nhớ tới câu chuyện tình yêu của Nàng Là, và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với những đôi trai gái yêu nhau, muốn được bên nhau mãi mãi.
Điểm hẹn Nàng Màn gồm có các gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như thổ cẩm, rượu men lá, cam Con Cuông, dược liệu, mây tre đan, tre mét mỹ nghệ và các nông sản, ẩm thực của đồng bào Thái.
Thẳm Nàng Màn sẽ là điểm đến của du khách gần xa khám phá du lịch, văn hóa của người Con Cuông ở Miền tây xứ Nghệ.
Đáng chú ý, điểm hẹn Nàng Màn còn có chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, cồng chiêng, rượu cần hoàn toàn miễn phí cho nhân dân địa phương cũng như du khách gần xa cùng thưởng thức và giao lưu.
Đây là sự kiện sẽ được tổ chức hàng tuần, là sân chơi, điểm hẹn giao lưu văn hóa văn nghệ cho bà con thôn bản, cho các bạn trẻ cũng như du khách gần xa muốn tìm hiểu, khám phá du lịch, văn hóa Con Cuông nói chung cũng như điểm tham quan Thẳm Nàng Màn nói riêng.
Theo NGUYỄN PHÊ (Dân Trí)