Thăm nơi ở giáo viên trước thềm năm học mới

27/08/2019 - 18:24

 - Gieo cái chữ nơi miền sơn cước là điều không bao giờ dễ dàng đối với những người vốn mang nghiệp “gõ đầu trẻ”. Nếu không có một tình yêu nghề tha thiết, một tấm lòng với trẻ em vùng khó khăn thì các giáo viên không thể bám trường, bám lớp.

Phòng ở giáo viên được xây dựng khang trang, tiện ích

Đến thăm ngôi trường ở núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi vô cùng phấn khởi bởi đời sống giáo viên những năm gần đây đã có nhiều cải thiện. Đó là hình ảnh 2 khu nhà tập thể của giáo viên được xây dựng kiên cố thay thế những mái nhà tole tạm bợ của giáo viên trước đây. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Núi Cấm Đặng Thanh Nhàn cho biết: “Hiện các giáo viên đang công tác tại 3 điểm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được bố trí ở 2 khu nhà tập thể, với 10 phòng ở được xây dựng kiên cố do Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng. Trước đây, giáo viên ở lại đông, còn hiện tại do lập gia đình, hoàn cảnh gia đình, các giáo viên đi đi về về nhiều, người ở lại đa số độc thân, nếu tính riêng giáo viên của trường cấp II hiện có 9 người đang ở nhà tập thể”. Khi được hỏi về điều kiện sinh hoạt của giáo viên có được đảm bảo hay không, thầy Nhàn cho biết: “Giờ đỡ hơn xưa rất nhiều, điện, nước đầy đủ, chỉ có việc đi chợ là không được thuận tiện như ở dưới núi. Muốn mua đồ tươi, hàng ngày giáo viên phải canh giờ họp chợ của người dân, chủ yếu là của các bà, chị đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhóm chợ trước cổng trường nửa tiếng (từ 7 giờ 30 phút- 8giờ), nếu sau giờ đó muốn mua phải di chuyển theo điểm họp mới của chợ ở trên núi Cấm”.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan nhà tập thể, thầy Châu Công (giáo viên dạy Anh văn, Trường Tiểu học “B” An Hảo) chia sẻ: “Mọi thứ ở đây giờ đã được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ tốt. Nhà có bếp ăn tập thể, mỗi phòng riêng đều được trang bị nhà vệ sinh sạch sẽ, có tủ áo, tủ sách, ti vi, internet phục vụ nhu cầu tiềm kiếm thông tin, giải trí cho giáo viên. Bản thân tôi về trường và công tác đến nay đã là năm thứ 7. Cuộc sống vùng núi quả thật còn nhiều khó khăn không như miền xuôi. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong giảng dạy, các đồng nghiệp luôn phải giúp đỡ, tương trợ nhau để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Thầy Châu Công chia sẻ thêm, ngày đầu mới ra trường đồng lương ít ỏi, phải chi tiêu tằn tiện lắm mới không chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Việc sinh hoạt còn có thể cắt giảm, chứ tiền xăng di chuyển từ điểm chính đến điểm phụ ở Tà Lọt với khoảng cách 20km là điều không thể tiết kiệm. Một năm trở lại đây, thầy được hưởng phụ cấp giảng dạy tại điểm phụ ấp Tà Lọt theo Nghị định 116 nên thu nhập đã được cải thiện đôi chút.

Năm học mới sắp bắt đầu, giáo viên tại 3 điểm trường đang tích cực huy động học sinh ra lớp. Thầy Đặng Thanh Nhàn cho biết: “Nay các bậc phụ huynh đã ý thức việc cho con em đến trường nên việc huy động học sinh không còn khó khăn như thời gian trước. Chỉ có vài trường hợp học sinh là con của gia đình vừa mới chuyển đến sinh sống hoặc gia đình không hạnh phúc nên cha mẹ thay đổi chỗ ở, giáo viên khó tiếp cận. Còn với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dù nhà các em ở trên vườn, đồi núi heo hút, các giáo viên vẫn lặn lội tìm đến để tìm hiểu cái khó của các em, từ đó phối hợp địa phương, hội khuyến học đến gỡ khó và vận động quà “Tiếp bước đến trường” cho các em”.

Tuy sống và làm việc ở nơi xa xôi còn nhiều khó khăn nhưng với sự yêu nghề, mến trẻ, nhiều giáo viên đã từng bước ổn định và thích nghi cuộc sống miền núi. Có giáo viên công tác trên 10 năm, 15 năm lại thích gắn bó với mái trường ở “lưng chừng trời”, gieo cái chữ, tri thức cho trẻ em vùng núi - nơi việc đến trường của các em không hề dễ dàng. Thầy Nhàn bày tỏ: “Thấy nhiều em lội bộ đến trường nhiều cây số, trên những con đường ngoằn nghèo, con dốc đủ kiểu mà vẫn ham học, mình thương lắm và mới thấy bao gian khó, sự hy sinh, cống hiến của các thầy cô là hoàn toàn xứng đáng”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG