Nằm trên phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên), núi Két không quá rộng lớn như người anh núi Cấm, núi Dài, núi Cô Tô… nhưng vẫn có nét đặc trưng rất riêng của mình. Theo sử sách, gần 200 năm trước, Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, Giáo chủ giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và nhiều đệ tử đến chân núi Két, bắt đầu hành trình khai hoang, biến vùng đầm lầy, rừng rậm trở thành đồng ruộng, làng mạc.
Nhiều năm nay, núi Két được tư nhân đầu tư, xây dựng thành khu du lịch tâm linh khá hoành tráng. Ấn tượng đầu tiên dành cho du khách là điện Sơn Thần, được xây dựng thành “miệng cọp” oai hùng. Muốn lên núi, chỉ cần đi qua “cửa” đặc biệt này.
Bên trong điện là hang đá nhỏ, rộng chừng chục bước chân, gợi nhớ sự tích nhiều nhà tu hành hướng Phật tề tựu về đây khổ luyện. Tấm lòng và ý chí của bậc chân tu thuần phục cả sơn lâm, thú dữ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho dân làng.
Đường lên đỉnh núi Két dài khoảng 600m, đục đẽo từng bậc thang vững chãi, tay vịn chắc chắn đỡ từng bước chân du khách. Đi dần lên núi, có các địa điểm, như: Sân Tiên, Giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi…
Khu du lịch núi Két đặc trưng ở chỗ, hàng ngàn lượt khách đến đi, những cảnh quan được tu bổ, bồi đắp liên tục, nhưng vẫn còn giữ lại phần lớn không gian hoang sơ như ngày đầu khai thiên lập địa. Du khách có thể tìm kiếm, khám phá từng góc riêng cho tâm hồn, chinh phục ngọn núi bằng sự tự tại, an nhiên. Hầu như không có cảnh mua bán hàng rong, chèo kéo khách, hay xả rác bừa bộn.
Trung tâm của ngọn núi là “mỏ ông Két”. Nếu chưa đến đây, xem như chưa đến ngọn núi. Xung quanh điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi, có nhiều góc tham quan “mỏ ông Két” cao thấp khác nhau, giúp du khách quan sát xa, gần đủ kiểu. Mỗi lần tham quan, là một lần khen thiên nhiên khéo tạc, khéo sắp, vẽ nên hình dáng quê hương đặc sắc.
Hòa cùng cảnh sắc hoang sơ, núi Két trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng, tiếp thêm niềm tin và động lực, thu hút phật tử lẫn người yêu thiên nhiên, yêu lịch sử dân tộc tìm về ngày càng đông đảo.
VẠN LỘC