Bà con nhận những món quà tiếp tế từ đồng hương
Các chuyến xe miệt mài xuôi ngược đã chở hàng chục tấn hàng hóa (gồm: nông sản, gạo, thực phẩm) đến giúp người dân vùng tâm dịch. Hoạt động do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) phối hợp lần lượt với UBND xã Tân Trung, đoàn thể cấp huyện, nhóm từ thiện và nhà hảo tâm trên địa bàn.
Bà Lê Thị Kim Linh (người phát động “Chuyến xe nghĩa tình”) thông tin: “Chúng tôi chủ yếu tìm đến những nơi tập trung đông người dân Phú Tân đang sinh sống. Ở các khu nhà trọ, chúng tôi vẫn phát quà đồng đều cho bà con ở tỉnh khác. Hàng hóa được tập kết, giao cho 2 trưởng nhóm tình nguyện làm đầu mối ở tỉnh Bình Dương tiếp nhận. Họ phân ra từng bọc, đem phát cho trường hợp đang cần. Ngoài danh sách đăng ký trước, những người khó khăn có thể cung cấp thông tin, tình trạng, địa chỉ, số điện thoại cho thành viên đại diện để được bổ sung hỗ trợ”.
Tại tỉnh Bình Dương, chị Ngọc Tuyết là một trong 2 người phụ trách đầu mối tiếp nhận hàng hóa từ quê nhà gửi lên. Một ngày của chị loay hoay với việc tìm địa chỉ của bà con cùng quê. Lo xong người lớn, lại lo đến trẻ nhỏ thiếu sữa, thiếu ăn… Bất kể mưa hay nắng, thành viên len lỏi vào các con hẻm, khu nhà trọ, nơi đang phong tỏa để gửi thực phẩm tận tay từng người. Chị Tuyết cho biết, công việc tuy vất vả, nhưng nhìn thấy bà con ôm những bọc gạo trên tay đủ thấy ấm lòng. Ở quê nhà, những người góp công, góp sức nhận kết quả qua hình ảnh, tin nhắn “Chị ơi em nhận được 10kg gạo, em mừng còn hơn trúng số nữa chị” cùng chung niềm xúc động.
Dù đôi bên cùng nỗ lực, nhưng thời dịch bệnh ai cũng khó khăn. Khi nguồn lương thực đã cạn, họ thương lắm vẫn không thể giúp hết mọi người. “Tôi không kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện, chỉ xin quà hỗ trợ bà con nghèo trong lúc này. Thời gian tới, nếu có thêm sự kết nối giúp đỡ của các nhà hảo tâm gần xa, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình không ngơi nghỉ” - chị Tuyết trải lòng.
Anh K. (người dân huyện Phú Tân) đang tạm trú tại TX. Tân Uyên, là một trong những nơi bị phong tỏa từ ngày 21-6 đến nay. Trong khu trọ, một số lao động may mắn còn việc làm vì công ty đủ điều kiện tổ chức phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Còn lại, đa số là lao động tự do, bị mất việc, không nhận được gói hỗ trợ hay lương thực. Hỏi thăm bà con chỗ khác, có nơi được giảm tiền điện, nước và tiền thuê trọ, có nơi thì không. Những người mang thai, bệnh nặng và có con nhỏ càng đi vào thế kẹt. Anh K. cho biết, nhận được mấy đợt hỗ trợ thực phẩm, ai nấy mừng rơi nước mắt. Từ gạo, rau, củ, thịt heo… đều phải chắt chiu từng bữa. Ngoài ra, lao động nghèo còn được 2 lần hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng và 500.000 đồng. Mong mỏi nhất của mọi người lúc này là tình hình dịch bệnh sớm ổn định, được trở về quê để ổn định tinh thần.
Với vai trò làm cầu nối, tình nguyện viên ở tỉnh Bình Dương và Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân còn giúp đỡ cho những trường hợp đặc biệt khó khăn. Đơn cử là em Nguyễn Văn Nho (quê ở xã Phú Thọ, đang làm công nhân ở tỉnh Bình Dương) không may mắc bệnh ung thư ruột giai đoạn cuối. Cách đây vài ngày, nhóm chuyển tiền từ nhà hảo tâm giúp đỡ cho em được 5,5 triệu đồng, đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ.
Trước đó, nhóm giúp đỡ 1 gia đình có hoàn cảnh thương tâm: đôi vợ chồng trẻ quê ở xã Phú Hưng không may nhiễm COVID-19 qua đời, để lại 2 đứa con (13 và 15 tuổi) bơ vơ giữa xứ người. Qua lời kêu gọi giúp đỡ, nhóm đã tiếp nhận hơn 39 triệu đồng, trang trải một phần chi phí cần thiết trước mắt và lo chuyện học hành khi 2 cháu trở về quê.
Nếu được lựa chọn, chắc chắn không ai muốn rời bỏ quê hương đi cầu thực. Những người xung phong hỗ trợ bà con lúc nguy khó cũng không hề dễ dàng khi vượt cả hành trình qua các chốt chặn và muôn trùng vất vả. Sự đùm bọc, san sẻ trong lúc này khắc đậm tình đồng hương lẫn sự cảm kích từ 2 phía: người được giúp đỡ và tấm lòng bà con nơi quê nhà.
MỸ HẠNH