Tháng 7 - tri ân và tưởng nhớ

26/07/2022 - 07:02

 - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình và đang vươn mình phát triển. Nhưng những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Với lòng biết ơn, sự kính trọng, ngày 27/7 hàng năm, đồng bào cả nước cùng tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã chiến đấu quên mình và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”… Họ đã hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước.

Không được phép quên

Với một dân tộc đã trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, khi đất nước độc lập, tự do, cả nước có trên 9 triệu người có công với cách mạng. Trên 1,1 triệu anh hùng liệt sĩ, trong đó còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Biển Đông… vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong số đó, phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân, cả sự sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và trong khi làm nhiệm vụ. Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần. Họ là những người mãi mãi “vô danh” trên bia mộ, nhưng tên các anh đã khắc ghi 2 chữ “Tổ quốc” thiêng liêng. Hiện, cả nước có trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc...

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ân cần thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Bài (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc)

Với lòng yêu nước nồng nàn, cùng ý chí kiên cường bất khuất, cha ông ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cống hiến sức người, sức của, không tiếc máu xương, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có trên 4 triệu dân thường ở 2 miền Bắc - Nam đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại. Có thể nói, lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử được viết bằng máu và nước mắt của những người yêu nước, yêu độc lập, tự do, quyết không cam chịu thân phận làm nô lệ.

Đời đời biết ơn

Trong Di chúc, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”. Theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người, Đảng và nhân dân ta luôn thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện đạo lý  “Uống nước nhớ nguồn” đối với các anh hùng, thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước. Theo đó, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và nhà nước hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công. Hệ thống pháp luật về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Cả nước hiện có hàng triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, cơ bản người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước.

Lãnh đạo tỉnh và TP. Châu Đốc dâng hương tri ân các liệt sĩ tại Nhà bia ghi danh liệt sĩ phường Núi Sam

Để đền đáp công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, kế tục và phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta, những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công với cách mạng. Tuy còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân An Giang, bằng tình cảm và trách nhiệm đã tập trung thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều việc làm thiết thực, phong phú, như: Xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo; miễn, giảm thuế; cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe; chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công... Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng… Không thể kể hết những việc làm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở các địa phương đã và đang làm để bày tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thăm và tặng quà gia đình chính sách tại phường Mỹ Long

Ngày 27/7 hàng năm là ngày nhân dân cả nước nói chung, An Giang nói riêng, ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, những hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những thương binh đã anh dũng chiến đấu với giặc để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta và giúp họ hiểu được công ơn to lớn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh.

Chúng ta đời đời biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh anh dũng để đất nước thống nhất, độc lập, tự do như ngày hôm nay. Tháng 7, mỗi chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc bằng những việc làm dù rất nhỏ. Xin dành một phút mặc niệm cho những người đã ngã xuống ngày hôm qua và chung tay thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” hôm nay và mai sau. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, Tổ quốc mãi ghi nhớ công ơn của các anh.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chúc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh dồi dào sức khỏe, mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

THU THẢO