Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất
Tháng tám, kỷ niệm 136 năm ngày sinh của Bác Tôn, hậu sinh thu thập đôi điều âm vang, nhớ đến công lao vô cùng to lớn của nhân vật vang danh đến tận trời Tây. Nhiều năm đảm nhận thư ký riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Lê Hữu Lập sở hữu vô vàn những hồi ức về nhà cách mạng lỗi lạc. Với ông, mỗi lát cắt ký ức đã làm nên nét họa riêng cho tính cách Bác Tôn, một con người cả trong cuộc sống lẫn công việc đều hết sức bình dị và mẫu mực.
Cuối năm 1976, Bác Tôn vào công tác ở TP. Hồ Chí Minh, cũng là dịp giáp Tết Nguyên đán. Mọi người đều mời Bác ở lại, nhưng Bác Tôn không đồng ý. Hai đồng chí Hoàng Quốc Việt và Xuân Thủy sang thuyết phục Bác, sau đó bảo các đồng chí phục vụ: “Bác đồng ý rồi, các cậu thu xếp đón cả các cháu vào ăn Tết với Bác”. Đồng chí Lê Hữu Lập rất vui mừng vì cũng muốn biết cái Tết ở miền Nam. Tuy nhiên, khi đồng chí vào hỏi lại thì Bác Tôn bảo mai ra Hà Nội, không nên làm như thế.
Đồng chí Nguyễn Quang Xiển phụ trách T.78 (Văn phòng Trung ương ở TP. Hồ Chí Minh) một hôm dẫn đồng chí Lập đi thăm ngôi nhà chuẩn bị cho Bác Tôn ở. Đây là ngôi nhà một tầng thuộc khu biệt thự, sát sông Sài Gòn gió mát. Đồng chí Lập về mời Bác đi xem ngôi nhà. Bác Tôn bảo có ở trong này đâu mà đi xem.
Sau này, đồng chí Lập mới biết, trước đó, đồng chí Phạm Hùng gọi anh Dương Văn Phúc (Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng) đến giao nhiệm vụ: “Ông già tuổi đã cao, cần chuyển vào Nam an dưỡng, sống thêm nhiều năm nữa. Cậu không được ngăn cản mà phải thuyết phục để ông cho chuyển cả gia đình vào trong đó”. Anh Phúc về nói với Bác Tôn, Bác hỏi: “Sao? Đánh nhau không được vào Nam, giờ hòa bình lại vào chiếm nhà à?”.
Năm 1978, Bác Tôn đã sang tuổi 90, Trung ương định xây ngôi nhà yên tĩnh, mát mẻ, cảnh vật đẹp ngay Hà Nội cho Bác ở. Bác Tôn cho gọi ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Chủ tịch sang hỏi: “Các anh định xây nhà cho tôi?”.
Ông Việt Dũng làm như không biết, trả lời không ạ. Cháu nghe Phủ Thủ tướng định xây nhà khách ạ”. Bác Tôn nói: “Thế là chuyện khác, còn nếu định xây nhà cho tôi thì để các anh ở”. Vậy là kế hoạch đã bị vỡ. Đặc biệt, những món quà của các đoàn quốc tế gửi tặng, Bác Tôn không giữ lại trong nhà mà đều biếu lại cho những nhân sĩ tiêu biểu trong Mặt trận.
Trên đây chỉ là một vài sự việc trong vô vàn câu chuyện giản dị, đời thường của Bác Tôn. Theo nhà văn, nhà báo kỳ cựu Đoàn Minh Tuấn, vào một ngày tháng 8/1978, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội để làm phim mừng sinh nhật lần thứ 90 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hôm ấy, còn có các bạn Nga đến mừng thọ Bác.
Thật ra Bác Tôn không muốn tổ chức ngày sinh nhật mình. Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch phải xin ý kiến Bác, nhưng Bác Tôn từ chối. Cuối cùng, phải đệ trình lên Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đồng ý tổ chức lễ mừng thọ Bác Tôn do yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của đồng bào miền Nam.
Đã 90 tuổi hạc, Bác Tôn vẫn còn cường tráng và quắc thước. Buổi lễ diễn ra trọng thể tại phòng khách Phủ Chủ tịch, có đông đủ các vị trong Trung ương Đảng và Chính phủ. Bác Tôn nhắc các đồng chí Văn phòng Chủ tịch “giúp đỡ các chú trong miền Nam ra, xem các chú ấy có khó khăn gì không...”.
Buổi mừng thọ Bác Tôn có bài diễn văn rất ấm áp, nghi thức trang nghiêm, không khí thật vui tươi. Khi ánh đèn máy quay rọi vầng trán cao của Bác Tôn, chiếc sơ mi lụa của Bác ướt đẫm mồ hôi. Bác Tôn vẫn bình thản, tiếp tục quay sang hỏi đồng chí Việt Dũng: “Các chú ở trong Nam ra có khó khăn gì không?”. “Thưa Bác, công việc rất thuận lợi ạ”. Ngay lúc đó, một người trong đoàn quay phim mạnh dạn lên tiếng. Hôm nay là mừng thọ Bác, nhưng không có rượu để chúc thọ thì thật “khó khăn” quá!
Bác Tôn và mọi người đều cười vui. Bác nói với đồng chí phục vụ “sao không cho các đồng chí trong Nam ra một ít rượu”? Thế là, mấy khay đựng ly rượu nhỏ được đưa ra. Mọi người đều nâng cốc chúc thọ Bác Tôn. Đây đúng là cảnh mà Bác Hồ từng mong ước “Khi nào kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào”.
Ánh mắt của Bác Tôn rạng rỡ một niềm vui khó tả. Một đồng chí thưa: “Xin chúc Bác thọ 100 tuổi!” Bác Tôn nói phấn đấu đến 95 rồi hẵng hay và Bác cầm cốc đi chạm từng vị trong Chính phủ, các đoàn thể đến chúc mừng. Nhờ đó, đoàn quay phim sở hữu được những hình ảnh đẹp và sống động. Bữa tiệc sinh nhật đơn giản, ấm cúng, nhưng vô cùng cảm động mà hiếm có. Nói đến việc này, các đồng chí phục vụ buổi lễ mừng thọ cho biết, văn phòng có chuẩn bị rượu, nhưng không dám làm lâu, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe Bác Tôn. Vả lại, trên đã có chỉ thị không uống rượu nên không dám dọn ra.
Liên quan đến sự việc, trước đó, đoàn quay phim quay cảnh nhà văn Nguyễn Đình Thi ngâm thơ “Bài ca Hắc Hải” ca ngợi Bác Tôn Đức Thắng những ngày trên chiến hạm France ở bờ biển Đen kéo cờ cách mạng ủng hộ buổi bình minh nước Nga Xô Viết. Đoàn ghi lại bức ảnh anh lính thủy Việt Nam Tôn Đức Thắng đứng cạnh các bạn Hải quân Pháp năm 1916, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm gửi tặng gia đình Bác Tôn.
Đoàn cũng đã thu hình nhà văn Đoàn Giỏi đang viết cuốn truyện “Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày”, trích một đoạn miêu tả Bác Tôn ở hầm xay lúa ngoài đảo tù Côn Đảo. Nhà văn đọc rất đạt và rất xúc động đoạn về Bác Tôn bị bọn cai ngục ép buộc lái ca nô đuổi theo những người tù vượt ngục Côn Đảo.
Cụ thể, tên sĩ quan Pháp bảo: “Lái nhanh lên”, Bác Tôn giả vờ cho ca nô hỏng máy. Tên sĩ quan Pháp chĩa súng vào ngực Bác Tôn: “Không sửa nhanh lên sẽ bị bắn chết”. Bác Tôn bình tĩnh nói bằng tiếng Pháp: “Đố mày dám bắn”. Tên sĩ quan hỏi lại: “Sao không dám?”.“Nếu mày bắn tao, ai đưa mày vào bờ?”. Đây là một câu chuyện trong nhiều cuộc đấu tranh ở nhà tù mà Bác Tôn và đồng chí Phạm Hùng nhiều lần lấy thân mình đỡ đòn cho anh em.
Tất cả những thước phim quý giá ấy cho ra đời bộ phim tài liệu mừng sinh nhật Bác Tôn “90 năm - một cuộc đời”, phát hình đúng ngày sinh thứ 90 của Bác Tôn (20/8/1978). Khi nhà văn Đoàn Giỏi được đến đọc bản thảo cho Bác Tôn nghe lần cuối về cuốn truyện “Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày”, Bác Tôn xem qua rồi thân tình chỉ bảo: “Các chú muốn viết thế nào cứ viết, nhưng không được quá đề cao, nhất định không được sai sự thật”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, mất ngày 30/3/1980. Cuộc đời 92 mùa xuân, trong đó gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là nhà lãnh đạo lỗi lạc mà Nhân dân kính trọng gọi là Bác Tôn.
N.R (Tổng hợp)