Thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống

22/08/2022 - 07:04

 - Bằng cách thanh toán thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, thẻ ngân hàng hoặc qua phần mềm do ngân hàng cung cấp… người dân ở các chợ truyền thống có thể không dùng tiền mặt trong mua bán, kinh doanh. Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đang được ngành Công Thương triển khai, nhân rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Nhanh chóng, tiện lợi

Thời gian qua, bà con tiểu thương chợ Phú Hòa (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tại đây, khách hàng có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản thông qua phần mềm của các ngân hàng, thanh toán trực tiếp bằng thẻ qua máy POS (Point of Safe - máy quẹt thẻ ngân hàng) hoặc qua các phần mềm hỗ trợ của các đơn vị khác… Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo sự tin tưởng của người dân và bà con tiểu thương, bởi đây là hình thức thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn…

Theo đại diện cửa hàng tạp hóa Bảy Xế (chợ Phú Hòa, thị trấn Phú Hòa), việc thanh toán không dùng tiền mặt dù còn hạn chế, nhưng dần phổ biến tại đây. Không chỉ có khách hàng mua sỉ, mà những người mua lẻ cũng chọn hình thức thanh toán này.

Cùng ý kiến trên, anh Phạm Trọng Thẩm (chủ cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật nông nghiệp sạch Trọng Nhân) cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt có khá nhiều ưu điểm. “Việc thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng, thẻ ngân hàng… rất nhanh chóng và tiện lợi, chỉ cần một thao tác đơn giản là đã giao dịch xong, nhanh hơn nhiều so với giao dịch bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, những khách hàng chọn thanh toán không dùng tiền mặt đều sử dụng các loại thẻ tín dụng, khi thanh toán sẽ được chiết khấu phần trăm, nên tiết kiệm hơn so với cách trả tiền truyền thống” - anh Thẩm chia sẻ thêm.

Tại chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), vừa qua, Sở Công Thương phối hợp Viettel An Giang triển khai kênh thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống Viettel Money. Tại đây, hơn 400 tiểu thương kinh doanh cùng nhiều khách hàng được nhân viên Viettel An Giang hướng dẫn cách đăng ký, sử dụng tài khoản, thanh toán online.

Theo đánh giá từ các tiểu thương và khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và kênh Viettel Money nói riêng, phù hợp xu hướng phát triển của tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch. Qua đó, góp phần giảm việc thanh toán bằng tiền mặt tại các chợ truyền thống, từng bước xây dựng chợ Mỹ Bình nói riêng và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh nói chung, ứng dụng công nghệ, xây dựng chợ 4.0, văn minh, hiện đại.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, Sở Công Thương An Giang đã hỗ trợ, triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó có các chợ, như: Chợ Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), chợ Châu Phú B (TP. Châu Đốc), chợ Trà Mơn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), chợ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), chợ Bình Hòa (huyện Châu Thành), chợ Cái Dầu và chợ Vịnh Tre (huyện Châu Phú).

Theo ý kiến của khách hàng và các tiểu thương, việc thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money nói riêng rất tiện lợi, an toàn, phù hợp với tâm lý ngại mang tiền đến nơi đông người.

Theo Sở Công Thương An Giang, để góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2022, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp với Viettel An Giang, VNPT An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đơn vị còn phối hợp Petrolimex An Giang triển khai chương trình trong hệ thống cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex An Giang.

Bên cạnh, ngành Công Thương còn thực hiện tuyên truyền các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân. Đồng thời, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các nội dung liên quan đến phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh…

Thời gian tới, Sở Công Thương An Giang tiếp tục phối hợp với Viettel An Giang, VNPT An Giang, Petrolimex An Giang và các cơ quan liên quan triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, siêu thị, trường học, hệ thống cửa hàng xăng dầu… trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức, giảm bớt thời gian chờ đợi thanh toán. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại… thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ngay cả trong những giao dịch hàng ngày.

Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%; có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại duy trì và nâng chất dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; khuyến khích 100% các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ chấp nhận thêm phương thức thanh toán tiền điện tử…


ĐỨC TOÀN