Thảo luận tổ về nghị quyết đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, TP. Đà Nẵng

31/05/2024 - 17:44

 - Chiều 31/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, TP. Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có 6 lượt phát biểu ý kiến. Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng) thống nhất việc ban hành dự thảo nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

 Đây là vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đông, cần thận trọng khi đề ra phí, lệ phí để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, tổ chức, ở một số lĩnh vực nhạy cảm. Đề xuất nghiên cứu giao rừng, giao đất dọc biên giới để người dân nâng cao đời sống gắn với bảo vệ biên giới.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, cần đề xuất nghiên cứu tổng thể chính sách mà các tỉnh, thành phố lân cận đang gặp khó khăn đều mong muốn nhận được.

Đối với dự thảo thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở TP. Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Lương Quốc Đoàn đề nghị quy định rõ hơn “cơ quan hành chính khác” (Khoản 1, Điều 7); cơ cấu tổ chức UBND phường, xem lại về quy định “công chức khác” (Khoản 1, Điều 8); cần có chính sách thu hút nguồn lực vào dự án, khu công nghệ cao…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong đề nghị, tránh để xảy ra tình trạng “mở một đầu, khóa đầu khác” khi xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh, thành phố. Cần rà soát, tháo gỡ, nếu đã phân cấp thì phân cấp triệt để, giúp địa phương phát triển tối đa, hạn chế vướng thủ tục từ Trung ương về tỉnh, kéo dài nhiều năm gây lãng phí cơ chế, nguồn lực. Cần cơ chế đặc thù vượt trội cho cả nước, thay vì một số địa phương như hiện nay.

Đóng góp về nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương thống nhất việc cần thiết xây dựng, phương hướng, nội dung tờ trình của Chính phủ.

Tại Khoản 2, Điều 12, đề xuất bổ sung ít nhất 2 điều kiện mà các nhà đầu tư chiến lược cần phải cam kết thực hiện: Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp địa phương, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ; cam kết đầu tư dài hạn, kế hoạch phát triển bền vững TP. Đà Nẵng. Cần nghiên cứu thêm chính sách ưu đãi mang tính chất đột phá, thu hút mạnh mẽ hơn nhà đầu tư chiến lược làm việc dài hạn 5 – 10 năm.

Phó Tưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho rằng, các chính sách đặc thù cho 2 địa phương được nhiều tỉnh, thành phố khác quan tâm. Đại biểu mong muốn có nhiều cơ chế áp dụng cho ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng được phát triển. Đó là tăng số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh (tỉnh Nghệ An được đề xuất 5 người, tỉnh An Giang hiện có 3 người); tách phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng… ra khỏi dự án nhóm B; tăng hạn mức vay thực hiện dự án kinh tế - xã hội; giao HĐND cấp tỉnh được quyết định chuyển mục đích quyền sử dụng đất các loại để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Đại tá Chau Chắc, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang băn khoăn, chưa rõ về chính sách tiền lương, thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP. Đà Nẵng, không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Ngày 1/7/2024, cải cách tiền lương được áp dụng toàn quốc, như vậy có phù hợp thực tế không, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra xem xét lại.

GIA KHÁNH