Thắp lên tình nhân ái, niềm tin vượt qua đại dịch COVID-19

22/04/2020 - 08:42

Dịch COVID-19 bùng phát khiến cho cuộc sống của nhiều người lao động, người nghèo thêm chật vật, khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế đã góp phần làm vơi bớt phần nào gánh nặng mưu sinh của nhóm người yếu thế trong xã hội, thắp lên tình nhân ái, đoàn kết, niềm tin vượt qua đại dịch.

Chia sẻ yêu thương


Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí từ "ATM gạo" tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Những ngày gần đây, nhất là từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế dịch COVID-19 lây lan, nhiều người nghèo, bán hàng rong, vé số… lâm vào cảnh mất việc vì không thể đi làm. Với tinh thần “tương thân tương ái”, hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... đã ra đời, lan truyền mạnh mẽ thông điệp đầy tính nhân văn với những tấm băng rôn: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần - Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. Xuất phát từ mục đích san sẻ bớt một phần gánh nặng cho cộng đồng, nhiều mô hình, cách làm từ thiện mới đã xuất hiện, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Ngày 6-4, tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) xuất hiện một điểm phát gạo từ thiện. Điểm đặc biệt là máy phát gạo từ thiện này được thiết kế như cây ATM, khi nhấn nút, gạo sẽ tự động chảy ra và mọi thao tác đều được sử dụng thông qua công nghệ. Đây là sáng kiến của anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh (PHG Lock) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về ý tưởng ra đời mô hình này, anh Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Nghĩ đến việc còn nhiều bất ổn do dịch bệnh kéo dài, lượng người thất nghiệp đông. Nghĩ đến ai đó vì thiếu một bữa ăn mà vào đường cùng, tôi nghĩ mình phải đưa một bàn tay cho họ nắm và phải ngay lập tức”.

Anh Hoàng Tuấn Anh nhận thấy, trong mùa dịch, nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo nhưng nếu phát thủ công và tập trung đông người rất dễ xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Sẵn làm trong nghề tự động, anh cùng nhóm nhân viên đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo ra chiếc máy này.

Sự xuất hiện của máy “ATM gạo” gây chú ý không chỉ bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn vì sự độc đáo vì áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngay sau đó, nhiều cây “ATM gạo” khác cũng xuất hiện lần lượt xuất hiện ở những quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai tuần sau khi ra đời, "ATM gạo" dành cho người nghèo đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ khắp cả nước. Những mô hình tương tự đã xuất hiện ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Long An, Đồng Nai… Cây “ATM gạo” tuôn trào những hạt gạo chứa chan tình yêu thương của cộng đồng đã đến với những người dân nghèo, giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn.


Người nghèo ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên nhận gạo từ máy "ATM". Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Với mong muốn giúp đỡ những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã sáng chế ra mô hình “ATM gạo” phát miễn phí cho người nghèo. Hành động này không đơn thuần là việc tặng gạo mà còn là bài học đối với các em học sinh về sự chia sẻ, lá lành đùm lá rách. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm cùng giáo viên, phụ huynh, học sinh, các tổ chức trong và ngoài nhà trường.

Không chỉ “ATM gạo”, “ATM mì và trứng” cũng ra đời nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo. Đây là ý tưởng của bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn, hiện đang công tác tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia. Cây "ATM mì và trứng" này mở từ 8 giờ đến 18 giờ hàng ngày tại địa chỉ ngõ 487 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), mỗi người dân đến đây sẽ được phát 10 gói mì tôm, 10 quả trứng. Bác sỹ Tuấn còn tổ chức các cây “ATM di động” đến trao hàng ngàn suất mì và trứng tặng người có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh đang điều trị tại các điểm: Bãi giữa sông Hồng, xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội...

“Siêu thị hạnh phúc - 0 đồng" là một trong những mô hình mới, cách làm sáng tạo lan tỏa tình yêu thương trong mùa dịch. Hiện siêu thị đã được mở tại hơn 10 tỉnh, thành trong cả nước, cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là công nhân, lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi người dân khi đến với "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng" sẽ được lựa chọn 5 sản phẩm khác nhau như: gạo, đường, lạc, mắm, muối, dầu ăn... với tổng giá trị cho mỗi lượt "mua sắm 0 đồng" không quá 100.000 đồng và tối đa hai lần mua trong một tháng.

Lan tỏa lòng tốt của người Việt ra thế giới

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, những tấm gương dũng cảm, mô hình sáng tạo, phục vụ lợi ích cho xã hội đã khiến người nghèo cảm thấy ấm lòng đồng thời gây xúc động mạnh trong cộng đồng.

Vừa nhận được hàng từ "Siêu thị hạnh phúc", ông Nguyễn Văn Hiếu (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vui mừng cho biết: "Tôi làm nghề chạy xe 3 gác, từ khi xuất hiện dịch bệnh, công việc chở xe 3 gác ế ẩm nên đời sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Được hỗ trợ, tặng quà thế này là rất quý".

Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân sống tại khu A, phường Nghĩa Tân (Hà Nội) cho biết, thường ngày bà đi nhặt phế liệu, sau đó bán lại để có thu nhập. Nhưng hiện nay, do thực hiện giãn cách xã hội, bà không ra ngoài đường được. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà. "Gia đình tôi có 3 người, thu nhập thường không ổn định. Tôi còn phải chăm sóc chồng bị bệnh nằm một chỗ. Số gạo nhận được từ cây “ATM gạo” sẽ giúp gia đình tôi không bị đứt bữa trong 3 ngày, cũng bớt lo lắng phần nào", bà Thanh cho biết.

Trong thư khen gửi anh Hoàng Tuấn Anh với sáng chế “ATM gạo”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hoan nghênh và biểu dương hành động của anh Hoàng Tuấn Anh cũng như tất cả những việc làm nhân ái, quả cảm của người dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay, khắp các vùng miền của Tổ quốc đã, đang và sẽ còn nhiều ý tưởng hay, hành động đẹp, với nhiều hình thức sáng tạo, ý nghĩa của nhiều người, nhiều tổ chức nhằm động viên đội ngũ các chiến sỹ áo trắng cũng như các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, dân quân đang ngày đêm cứu chữa, ngăn ngừa dịch lây lan; chăm lo đến từng miếng ăn, giấc ngủ của những người mắc bệnh và nguy cơ mắc bệnh.

Khẳng định tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chung tay phòng, chống dịch hiệu quả, Phó Chủ tịch nước tin tưởng, Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn và chiến thắng dịch COVID-19 nhanh nhất.

Nghĩa cử ấm áp tình người trên mảnh đất hình chữ S đã khiến truyền thông quốc tế ngỡ ngàng và dành không ít lời khen ngợi. 

Đánh giá về sáng kiến “ATM gạo”, kênh Truyền hình CNN của Mỹ ngày 13-4 chạy dòng tin “một chiếc máy cho ra gạo miễn phí - một điều khó tin - nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh”.

Trên mạng Twitter, nhà văn Mỹ Marianne Williamson dẫn bài báo ca ngợi sáng kiến "ATM gạo" tại Việt Nam trên CNN và khẳng định: “Đây là ý tưởng mà chúng ta nên thực hiện”.

Mới đây, tờ International Business Times (Mỹ) cũng có bài viết bày tỏ sự ấn tượng về cây “ATM gạo” tại Việt Nam và ví đây là “một cách khéo léo” để hỗ trợ những người gặp khó khăn vì dịch bệnh.


Hướng dẫn người dân xếp hàng giữ khoảng cách an toàn và sát khuẩn trước khi vào nhận gạo. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

“Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất”. Một độc giả người nước ngoài đã bình luận như vậy dưới bài viết đăng trên tờ báo The Straits Times của Malaysia về những cây “ATM gạo” của Việt Nam. Hơn cả lương thực, những chiếc máy này đang cho đi sự tử tế, lan tỏa lòng tốt của người Việt ra thế giới.

Những hành động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã phần nào làm vơi bớt khó khăn của người dân nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến cam go chống đại dịch COVID-19. Những việc làm này cũng thể hiện rõ truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" từ ngàn đời nay của dân tộc ta; tiếp thêm sức mạnh để toàn dân chung sức, chung lòng quyết tâm vượt qua hoạn nạn. Điều quan trọng là sau khi dịch bệnh đi qua, tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục duy trì, phát huy để người nghèo được hỗ trợ, tự vươn lên trong cuộc sống.

Theo PHAN PHƯƠNG (TTXVN)