Bảy Núi – Thất Sơn hùng tráng là vùng bán sơn địa nằm giữa vùng đồng bằng bằng phẳng, bao la của vùng cực Tây đồng bằng sông Cửu Long giáp Campuchia, trải dài trong phạm vi các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc và huyện Thoại Sơn của tỉnh An Giang; tiểu vùng này gọi là vùng Bảy Núi, hay cũng gọi là Thất Sơn; tổng diện tích của 04 đơn vị trên chiếm 42% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, nhưng dân số trong vùng chỉ chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Điểm quan trọng ở đây là vị trí địa kinh tế du lịch – thương mại qua biên giới và vị trí địa chính trị của nó – đây cũng là đặc trưng của vùng Tứ giác Long Xuyên ở đồng bằng sông Cửu Long (giữa đồng bằng rộng lớn lại có núi rừng) có một không hai trên thế giới.
Đỉnh Núi Cấm - Tịnh Biên (Ảnh ST)
Vùng Bảy Núi – Thất Sơn có gần 40 núi lớn nhỏ, độc lập và cả quần thể liên kết nhau (riêng hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có 37 núi); trong đó có 07 núi chính, đúng như tên gọi của nó – Vùng Bảy Núi. Hệ thống núi rừng ở đây bao trùm lên trên 21.000 ha chiếm 6% diện tích tự nhiên của tỉnh; phân bố chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; ngoài ra, còn có một số núi rải rác ở huyện Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc. Địa hình núi ở đây nổi lên giữa đồng bằng mênh mông, độ cao không lớn trung bình 200 – 300m so với mực nước biển, cao khoảng 600 – 700m, cao nhất là Núi Cấm – 710m, thuộc huyện Tịnh Biên - ở trên đỉnh núi có mặt bằng rộng khoảng 500 ha, thích nghi trồng những cây, bông hoa như ở thành phố Đà Lạt ...; và triển vọng có thể xây dựng thành phố hiện đại mang tầm vóc lớn. Nhìn chung, toàn cảnh quan toát lên vẻ đẹp huyền bí tự nhiên, rất thích hợp cho khai thác phát triển du lịch - thể thao, nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, kết hợp với du lịch tâm linh.
Ngoài tập quán sản xuất lúa tăng vụ ở những nơi bằng phẳng, trên những nơi cao hơn còn phát triển lúa đặc sản, rau màu, bông hoa..., cây ăn trái, cây công nghiệp... ở những diện tích vườn đồi, vườn rừng..., phát triển chăn nuôi..., những nơi thấp phục hồi sản xuất lúa mùa nổi (6 tháng)..., sản xuất ở các làng nghề thủ công và những địa bàn có nghề thủ công truyền thống... Đáng chú ý là vùng Bảy Núi còn có hệ sinh thái núi rừng đậm nét, là điểm nhấn trong bức tranh tuyệt tác của tạo hóa dành cho đồng bằng sông Cửu Long. Núi rừng ở đây tạo ra một quần thể đa dạng phong phú với 815 loài thực vật, có 06 xã hợp thực vật tự nhiên thành 03 quần thể thực vật; quần thể thực vật trên vùng đồi núi và quần thể thực vật rừng tràm trên đất úng phèn. Ngoài ra còn có 09 xã hợp thực vật rừng trồng trong quần thể thực vật nhân tạo trên đất đồi núi của vùng Bảy Núi. Đặc biệt, vùng Bảy Núi – Thất Sơn còn nổi tiếng về những nhóm cây thuốc nam quý hiếm với khoảng 680 loài từ lâu đã được lưu hành, sử dụng rất có công hiệu trong việc phòng và điều trị bệnh bởi dược tính cao của nó.
Vùng Bảy Núi có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế du lịch – thương mại qua biên giới. Trong khoảng 100 km đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia thì hầu như nằm trong vùng Bảy Núi; ngoại trừ phần biên giới thuộc huyện An Phú, thị xã Tân Châu, thuộc vùng đất cồn. Trong vùng Bảy Núi có cửa khẩu quốc tế đường bộ Tịnh Biên – huyện Tịnh Biên; kết nối với cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương - thị xã Tân Châu; ba cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông - huyện An Phú và cửa khẩu quốc gia đường bộ Vĩnh Xương - thị xã Tân Châu.
Khu di tích Óc Eo - Thoại Sơn (Ảnh ST)
Vùng Bảy Núi có vị trí rất quan trọng ở phía Tây Nam của Tổ Quốc, cách mũi Hà Tiên và Biển Tây không xa. Nơi đây, ngay từ thời mới khai phá, vùng Hà Tiên được coi là vùng tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ Quốc. Vùng Bảy Núi có địa thế núi rừng hiểm trở, là hậu thuẫn để bảo vệ biên cương Tổ Quốc qua các thời kỳ chống ngoại xâm. Từ TP.Châu Đốc đến Hà Tiên có kênh Vĩnh Tế đổ ra biển Tây (kênh nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia), mà phần lớn chiều dài kênh đều nằm dọc theo vùng Thất Sơn... Bất kỳ trong tình huống nào, nhất là trong thời bình, vùng biên giới Tây Nam ngày càng được chú trọng để phát triển kinh tế - xã hội - môi trường vững mạnh làm cơ sở để ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.
Bảy Núi – Thất Sơn là một tặng phẩm hết sức quý giá của thiên nhiên mà An Giang là nơi có diễm phúc lớn đón nhận nó (nếu biết khai thác đúng mức lợi thế vị trí – địa thế của vùng sinh thái) với hai đầu hấp lực: từ Quốc lộ 91 đi ngõ thành phố Châu Đốc vào huyện Tịnh Biên (ra cửa khẩu quốc tế đường bộ Tịnh Biên) hoặc quay sang huyện Tri Tôn ... (ra Hà Tiên, Phú Quốc); và đường Hồ Chí Minh từ Quốc lộ 80 qua cầu Vàm Cống vào Núi Sập đến di chỉ Óc Eo..., sang huyện Tri Tôn... Có thể kết mạng liên vùng từ du lịch tâm linh; hành hương (Núi Cấm – Tịnh Biên, Bà Chúa xứ Núi Sam – Châu Đốc, những lăng, đền, chùa lâu đời ở vùng Thất Sơn, ...) đầy hấp dẫn đến du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng (rừng tràm Trà Sư – Tịnh Biên, hồ Soài So, Tà Pạ, Soài Chek, Ô Tà Sóc – Tri Tôn, hồ Thủy Liêm, suối Thanh Long – Tịnh Biên, đồi Tức Dụp – Tri Tôn, ...); du lịch thể thao (lễ hội đua bò Bảy Núi/Tri Tôn + Tịnh Biên, có thể xây dựng sân đánh golf theo tiêu chuẩn quốc tế ...); kết nối với Phú Quốc, Hà Tiên – Rạch Giá; Tân Châu – Hồng Ngự; Cà Mau; thành phố Cần Thơ; thành phố Hồ Chí Minh; và xa hơn nữa là Phnômpênh, Thái Lan, ASEAN,... Những năm gần đây rất nhiều du khách đến tỉnh An Giang, trong đó phần đông là đặt chân đến tham quan vùng Thất Sơn (năm 2018 có 8,5 triệu lượt người; năm 2019 dự ước có khoảng 9,2 triệu lượt người).
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 22/5/2007; và để bổ sung, cập nhật theo sự phát triển năng động ở thực tiễn, ngày 27/6/2012 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020 tại Quyết định số 801/QĐ-TTg. Trong đó nhấn mạnh việc “bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan khu di sản thiên nhiên Thất Sơn”.
Đồi Tức Dụp - Tri Tôn (Ảnh ST)
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012, trong đó khẳng định:
- “Phát triển không gian đô thị: vùng đô thị trung tâm:..., thành phố Long Xuyên là đô thị trung tâm tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.”
- “Phát triển các vùng kinh tế:Phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ tại Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, du lịch tại Phú Quốc, cụm du lịch Bảy Núi; phát triển các khu kinh tế cửa khẩu An Giang,... ”
- “Phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch: ...; Hình thành và phát triển 4 cụm du lịch chính, gồm: cụm du lịch Cần Thơ và phụ cận, cụm du lịch Mỹ Tho và phụ cận, cụm du lịch Bảy Núi – Rạch Giá và phụ cận, cụm du lịch Năm Căn và phụ cận.”
Từ đó, để xây dựng và phát triển vùng Bảy Núi – Thất Sơn và xem Bảy Núi – Thất Sơn là thương hiệu của một địa danh đặc trưng, có thể kết nối huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, thành phố Châu Đốc với thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành, Châu Phú thông qua các tuyến giao thông (thủy, bộ) để tạo động lực phát triển vùng Thất Sơn - Bảy Núi, có vị thế gắn kết với cụm phát triển Tứ giác Long Xuyên và của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học VÙNG BẢY NÚI – TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN, được các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp và những người tâm huyết với An Giang, với vùng Bảy Núi – Thất Sơn - đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã tập trung đánh giá những tiềm năng, những lợi thế về đất, nước, con người, những giá trị kinh tế, giá trị nhân văn của vùng - một vùng hội đủ các yếu tố tự nhiên và xã hội, hội đủ các tiềm năng để phát triển thế mạnh về du lịch/tâm linh - thể thao - nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ trong thời kỳ kinh tế mở cửa và hội nhập.
Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong tỉnh sẽ có những quyết sách, những giải pháp chiến lược để đưa ra hành động, những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài (kể cả tác động của yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng) để phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường vùng Bảy Núi – Thất Sơn đạt kết quả cao, góp phần nhanh chóng đưa An Giang lên một tầm cao mới, một bước phát triển đột phá - xứng đáng là món quà quý giá thiên phú dành cho An Giang, cho vùng Tứ giác Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Lễ hội đua bò Bảy Núi (Ảnh ST)
Trừ yếu tố một số vị trí liên quan đến an ninh biên giới, quốc phòng; cần khẩn trương:
1. Yêu cầu quy hoạch và quản lý quy hoạch; bảo tồn:
Tà Pạ - Tri Tôn (Ảnh ST)
Rừng Tràm Trà Sư - Tịnh Biên (Ảnh ST)
- Lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng Bảy Núi – Thất Sơn (giai đoạn 2020 – 2030 và sau 2030 – 2050). Tỉnh lựa chọn đơn vị, tổ chức có chức năng (kể cả trong và ngoài nước) đủ năng lực để thực hiện. Đồng thời, quy hoạch chi tiết (khoanh – và kết nối) lại từng khu vực trọng điểm trong vùng Bảy Núi - Thất Sơn theo quy hoạch tổng thể được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Giữ gìn những gì đã có (núi, di tích, cảnh quan,...); trong đó hết sức chú ý kiểm soát chặt việc khai thác đá, cát, tiến dần đến chấm dứt hẳn.
- Tiếp tục phát triển rừng tạo cảnh quan, môi trường sinh thái.
- Xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách; tổ chức, phối hợp quản lý từng địa bàn; quản lý chặt chẽ quy hoạch; bố trí cư dân hợp lý; quản lý xuyên suốt môi trường sinh hoạt của cư dân hiện hữu; có lộ trình cụ thể việc xử lý những tồn đọng trong sử dụng đất đai, xây dựng công trình... không phù hợp với quy hoạch để sớm phục hồi cảnh quan thiên nhiên...
- Quảng bá bằng nhiều hình thức (tuyên truyền, tranh ảnh,...) sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng (trong và ngoài nước), đặc việt là đối với tất cả cư dân, khách vãng lai, du lịch, hành hương,... có trách nhiệm trong việc khai thác, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn cảnh quan khu di sản thiên nhiên vùng Bảy Núi - Thất Sơn; kể cả việc áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
2. Xác định chiến lược phát triển; chương trình hành động:
Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam - Châu Đốc (Ảnh ST)
Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển vùng Bảy Núi – Thất Sơn theo định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển vùng Bảy Núi - Thất Sơn. Đồng thời, xây dựng chương trình hành động cụ thể, nhất quán từng giai đoạn (hàng năm và 5 năm). Có sơ kết, tổng kết từng thời kỳ; kịp thời bổ sung giải pháp cụ thể để thực hiện đạt kết quả theo yêu cầu của chiến lược phát triển phù hợp với định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển vùng Bảy Núi – Thất Sơn.
3. Nắm bắt cơ hội để kêu gọi, thu hút đầu tư:
Sau thời kỳ gia nhập WTO, tham gia hội nhập sẽ có rất nhiều biến đổi chưa thể dự báo trước được hết...; và chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội đến với An Giang và nhìn về Bảy Núi – Thất Sơn để đầu tư. Đặc biệt, An Giang sẽ tiến đến xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù đối với vùng Bảy Núi – Thất Sơn (gồm huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn) để sớm thu hút và thực hiện đầu tư theo quy hoạch tổng thể phát triển được phê duyệt./.
ĐỖ HẢI LONG