Mỹ đứng đầu thế giới về số ca tử vong do COVID-19
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác dã chiến ở bệnh viện Brooklyn, New York ngày 9-4. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất thế giới với 529.154 ca mắc bệnh và 20.460 ca tử vong. Mỹ cũng là nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận tới trên 2.300 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ và đã vượt qua Italy trở thành nước có số ca tử vong nhiều nhất.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính quyền thành phố New York của Mỹ đã quyết định cho học sinh nghỉ học hết năm học năm nay. Thị trưởng Bill de Blasio nhấn mạnh để học sinh tới trường trong lúc "nước sôi lửa bỏng" hiện nay là hết sức nguy hiểm. Thị trưởng thừa nhận đây là một quyết định đau đớn nhưng là cần thiết. Ông nêu rõ các cơ quan chức năng đang xem xét một kế hoạch tổng thể để mở cửa lại trường học vào tháng 9 tới.
Trước đó, Thị trưởng De Blasio đã yêu cầu các trường công lập trong thành phố bắt đầu đóng cửa từ ngày 16-3 vừa qua để kiềm chế dịch bệnh lây lan và đặt mục tiêu nối lại hoạt động giảng dạy từ ngày 20-4 tới. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh thực tế cho thấy mốc thời gian nói trên là không khả thi khi số người nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục gia tăng mỗi ngày và thành phố New York và bang cùng tên đã trở thành tâm dịch của nước Mỹ.
Tuy nhiên, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 11-4 khẳng định chính quyền thành phố New York không được quyết định cho học sinh nghỉ học hết năm học này nếu chưa có sự tán thành của ông. Theo quyết định đang có hiệu lực của chính quyền bang New York, các trường công lập ở đây sẽ đóng cửa đến hết ngày 29-4.
Trong ngày 11-4, New York ghi nhận thêm 783 ca tử vong do COVID-19, tăng 6 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại New York lên 8.627 người.
Châu Âu có thêm nhiều ca nhiễm virus
Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết trong ngày 11-4, nước này ghi nhận thêm 4.694 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 152.271 trường hợp. Số ca tử vong là 19.468 trường hợp (tăng 619 ca).
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở London, Anh ngày 29-3. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính tới 6h sáng 12-4 (giờ Việt Nam), Anh đã ghi nhận thêm 917 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh không qua khỏi tại Anh lên con số 9.875. Trong khi đó, sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chuyển biến rất tích cực sau gần một tuần nhập viện điều trị bệnh COVID-19.
Viện Y tế Quốc gia Hà Lan thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 1.316 người, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 24.413 người. Trong khi đó, Hà Lan có thêm 132 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 2.643 người.
COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 13.832 người tại Pháp, bao gồm 8.943 ca trong bệnh viện (tăng 353 ca trong 24 giờ) và 4.889 ca tại các viện dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội khác (tăng 290 ca). Hiện tại, 31.320 người phải nhập viện, trong đó 6.883 bệnh nhân được điều trị với chế độ chăm sóc đặc biệt. Bộ Quốc phòng cho biết trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle có 50 thủy thủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và tàu này sẽ cập cảng Toulon ngày 12-4.
Tối 11-4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có bài phát biểu trên truyền hình dài 9 phút, trong đó ông kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, kiên trì và đoàn kết cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Tính đến 6h sáng 12-4 (giờ Việt Nam), toàn nước Đức đã ghi nhận 124.756 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2.801 ca tử vong do virus nguy hiểm này.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 6-4. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 11-4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 510 ca tử vong do COVID-19. Đây là mức tử vong thấp nhất trong ngày kể từ hôm 23-3 tại Tây Ban Nha và nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia châu Âu này lên 16.353 người.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong một ngày nước này đã ghi nhận thêm 1.667 ca mắc COVID-19 tại 49 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc bệnh lên tới 13.584 ca tại 82 chủ thể liên bang. Tổng cộng 1.045 người đã khỏi bệnh và 106 người đã tử vong.
Trung Đông: Tình hình ở Iran vẫn nghiêm trọng nhất
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 2-3. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi người dân nước này tuân thủ các quy định y tế về phòng chống dịch COVID-19 để tự bảo vệ mình khi mà các hoạt động kinh tế "có nguy cơ lây nhiễm thấp" sẽ được nối lại ở phần lớn nước này (trừ thủ đô Tehran) từ ngày 11-4. Hoạt động này sẽ được nối lại ở thủ đô Tehran từ ngày 18-4. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Việc nới lỏng các hạn chế không có nghĩa là bỏ qua các quy định y tế về giãn cách xã hội và các quy định y tế khác nên được người dân tuân thủ nghiêm túc".
Nhà lãnh đạo Iran đưa ra lời kêu gọi trên sau khi giới chức y tế nước này cảnh báo nhiều người dân đã phớt lờ quy định phòng chống COVID-19, không chịu ở nhà, đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát tại nước này.
Iran là nước chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Trung Đông. Nước CH Hồi giáo này đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng cũng lo ngại rằng các biện pháp hạn chế có thể khiến nền kinh tế vốn đang phải chịu các lệnh cấm vận thêm khó khăn. Theo người phát ngôn Chính phủ Iran, Ali Rabeie, trong trường hợp mọi hoạt động kinh doanh tạm ngừng trong một thời gian dài, khoảng 4 triệu người dân Iran có thể thất nghiệp.
Theo số liệu mới nhất, trong ngày 11-4, Iran đã ghi nhận thêm 125 ca tử vong do COVID-19 và 1.837 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4.357 và tổng số ca mắc COVID-19 là 70.029 ca.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 11-4 xác nhận thêm 5.138 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 95 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, tổng số ca được xác nhận mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã là 52.167 trường hợp, trong đó có 1.101 người tử vong.
Theo ông Koca, trong 24h qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tổng cộng 33.170 xét nghiệm SARS-CoV-2, nâng tổng số xét nghiệm đã được tiến hành ở nước này lên 340.380 trường hợp. Bên cạnh đó, ông Koca nêu rõ, nước này đã chữa khỏi bệnh cho 2.965 bệnh nhân kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 và hiện điều trị đặc biệt cho 1.626 bệnh nhân, hỗ trợ thở máy cho 1.021 người.
Các nước châu Mỹ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và ca tử vong
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 23-3. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 11-4, Bộ Y tế Cuba thông báo trong 24 giờ qua nước này có thêm 56 ca nhiễm dịch COVID-19, đồng thời ghi nhận tổng số ca tử vong là 16 người sau một tháng kể từ thời điểm xuất hiện dịch bệnh tại đảo quốc Caribe này.
Tới sáng 12-4, tổng số ca dương tính với SARS-Cov-2 tại Cuba là 620 người, trong đó 513 bệnh nhân được xác định trong tình trạng ổn định và 77 người đã được chữa khỏi.
Chính phủ Cuba trước đó cũng thông báo tình hình dịch bệnh tại nước này đã bước sang giai đoạn lây nhiễm chéo tại địa phương, song vẫn trong mức độ giới hạn theo tính chất đặc thù của dịch COVID-19. Những ngày qua, chính quyền Cuba cũng đã siết chặt các biện pháp phòng ngừa và đối phó dịch bệnh như đình chỉ mọi phương tiện giao thông công cộng và đóng cửa tạm thời một số trung tâm thương mại lớn. Trước đó, Cuba cũng đã thông báo đóng cửa toàn bộ trường học, giới hạn hoạt động ở những lĩnh vực không thiết yếu, hoãn kỳ thi tuyển sinh đại học trên cả nước, cũng như hủy mọi sự kiện công, bao gồm cả lễ tuần hành truyền thống được tổ chức thường niên nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez ngày 11-4 đã thông báo quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 26-4 tại tất cả các đô thị lớn trên toàn quốc nhằm ngăn chặn COVID-19. Tổng thống Fernandez đánh giá biện pháp cách ly xã hội bắt buộc được áp dụng từ hôm 20-3 đã chặn được tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19, song đó mới chỉ là những kết quả ban đầu và con đường phía trước vẫn còn rất dài đòi hỏi sự nỗ lực và đoàn kết của cả bộ máy chính quyền và toàn xã hội.
Nhà lãnh đạo Argentina khẳng định biện pháp cách ly xã hội sẽ tiếp tục được áp dụng một cách nghiêm ngặt tại tất cả các thành phố lớn và chính phủ sẽ xem xét đề xuất của chính quyền một số địa phương về việc áp dụng biện pháp này một cách linh hoạt tại các khu vực nằm ngoài phạm vi các trung tâm đô thị lớn.
Trong số các hoạt động được nới lỏng trong những ngày tới có việc mở cửa một cách hạn chế các ngân hàng và các xưởng sửa chữa ô tô, cũng như cho phép người dân được tập thể dục xung quanh khu nhà ở. Tuy nhiên, Chính phủ Argentina vẫn khuyến cáo biện pháp tốt nhất là người dân nên ở trong nhà. Cho đến nay, các cơ sở duy nhất được phép mở cửa là siêu thị và hiệu thuốc.
Đến nay, Argentina đã ghi nhận 1.975 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 83 ca tử vong.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây của dịch COVID-19 tại một bến xe buýt ở Belo Horizonte, Brazil ngày 9-4. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil đã lên tới 1.124 người, trong khi số ca dương tính với SARS-CoV-2 đã là 20.727 người. Bang Sao Paulo vẫn tiếp tục là địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất với 8.216 người, trong đó có 540 trường hợp tử vong, tiếp đến là Rio de Janeiro với 2.464 ca nhiễm bệnh và 147 ca tử vong, Ceara cũng khi nhận 1.478 ca dương tính và 58 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Y tế Luiz Herique Mandetta cảnh báo đỉnh dịch tại quốc gia Nam Mỹ này có thể tới vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và sẽ tiếp diễn cho tới ít nhất là tháng 9, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tại mỗi địa phương để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
ASEAN có gần 18.000 ca mắc bệnh
Binh sĩ Malaysia đặt rào chắn để thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 7-4. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang worldometers.info, tính tới hết ngày 11-4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có gần 18.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 693 ca tử vong.
Ngày 11-4, Thái Lan xác nhận thêm 45 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong do dịch bệnh này, nâng tổng số lên 2.518 ca mắc bệnh và 35 ca tử vong. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, trong khi khi tỷ lệ lây nhiễm cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Phuket.
Singapore trong vòng 24h qua ghi nhận thêm 198 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc đảo này lên 2.108 người.
Bộ Y tế Malaysia ngày 11-4 đã ghi nhận thêm 184 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 4.530 người. Malaysia trở thành nước có số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Số liệu mới nhất cho thấy, Malaysia có thêm 3 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong kể từ khi bùng phát dịch bệnh này lên thành 73 người. Theo bộ trên, 44% số ca nhiễm ở nước này đã hồi phục.
Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ngày 11-4 đã ghi nhận thêm 26 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 247 người. Bên cạnh đó, Philippines có thêm 233 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 4.428 người. Cùng ngày, Philippines có 17 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nâng tổng số ca hồi phục lên thành 157 người.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)