Thế giới có thể đạt miễn dịch cộng đồng sau 5 năm

01/03/2021 - 18:50

Ba tháng sau khi cụ bà 91 tuổi người Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19, đến nay, hơn 236 triệu liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu. Tốc độ của chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đang tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, có thể cần đến gần 5 năm để phần lớn dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Tại Singapore, hơn 250 nghìn người đã tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên (Ảnh: Straitstimes)

Ba tháng sau khi cụ bà 91 tuổi người Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19, đến nay, hơn 236 triệu liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu. Tốc độ của chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đang tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, có thể cần đến gần 5 năm để phần lớn dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập tính đến ngày 28-2, thế giới cần 4,6 năm để tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho 75% dân số. Các đánh giá mới đây cho thấy, từ 70 đến 90% dân số toàn cầu cần được tiêm chủng trước khi thế giới chạm vào “giấc mơ” miễn dịch cộng đồng.

Khi có thêm nhiều người được tiêm chủng, giới chuyên gia sẽ sớm đưa ra ý tưởng tốt hơn nhằm tăng hiệu quả của các loại vaccine trong việc làm giảm hoặc ngăn chặn khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2.

Những thông tin như thời hạn miễn dịch sau khi tiêm vaccine và hiệu quả ngăn chặn virus lây lan của vaccine sẽ định hình con đường đưa các quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế và bảo vệ tính mạng công dân.

Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng: “Hiện chỉ có duy nhất dữ liệu sơ bộ và dựa vào trải nghiệm của những trường hợp cụ thể về tính hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19, nhưng tôi dự đoán đây sẽ là lĩnh vực khoa học phát triển hơn nhiều trong một hoặc hai tháng tới”.

“Đến khi có được dữ liệu và chúng được nhiều nước có phần lớn dân số được tiêm chủng phê chuẩn, tôi hy vọng Singapore sẽ xem xét các biện pháp hiện nay, trong đó có hạn chế kiểm soát biên giới, thí dụ người đã tiêm vaccine sẽ ít bị hạn chế trong quá trình di chuyển và thực hiện các hoạt động khác”, Giáo sư Teo Yik Ying nêu ý kiến.

Tại Singapore, quốc gia có gần 60 nghìn ca nhiễm và 29 ca tử vong do Covid-19, hơn 250 nghìn người đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và chương trình tiêm chủng vẫn đang được tăng tốc từng ngày. Dự kiến, cuối tháng 4-2021, 40 trung tâm tiêm chủng tại Singapore sẽ đi vào hoạt động, mỗi trung tâm có khả năng cung cấp 2.000 mũi vaccine/ngày.

Trong khi đó, Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 29 triệu ca nhiễm, đã phân phối 72,8 triệu liều vaccine. Còn Israel đã trở thành quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất. Từ tháng 12-2020 đến nay, hơn 50% trong số 9,3 triệu dân của Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Theo các báo cáo sơ bộ, số ca mắc Covid-19 đã giảm đáng kể trong số những người đã tiêm vaccine. Thời gian cần thiết để tiêm chủng cho 3/4 dân số thế giới sẽ được rút ngắn khi tốc độ tiêm chủng tăng lên và có thêm nhiều loại vaccine được phê chuẩn. Cuối tuần trước, Mỹ đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp loại vaccine một liều của Johnson & Johnson.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại New Delhi, ngày 1-3. (Ảnh: Reuters)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 18-2 vừa qua, ít nhất bảy loại vaccine khác nhau được bào chế trên ba nền tảng đã được phân phối tại các quốc gia. Cũng tính đến thời điểm đó, có hơn 200 ứng cử viên vaccine đang trong quá trình phát triển, trong đó hơn 60 ứng cử viên đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng.

Các nền kinh tế phát triển có thể sẽ bảo đảm đủ vaccine để tiêm phòng cho phần lớn công dân vào cuối năm nay. Giáo sư Teo Yik Ying nhận định, các quốc gia còn lại có thể sẽ chưa có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, nguyên nhân chính là thiếu nguồn cung vaccine.

Giới chuyên gia cảnh báo, cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường trong năm nay, do đó các biện pháp như đeo khẩu trang và giữ vệ sinh phải được duy trì. Trong cuộc họp báo diễn ra tháng 1 vừa qua, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho rằng, ngay cả khi vaccine bắt đầu bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, thế giới vẫn chưa thể đạt được bất cứ cấp độ nào của miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.

Miễn dịch cộng đồng”, hay còn gọi là “miễn dịch dân số”, là sự bảo vệ gián tiếp chống lại bệnh truyền nhiễm khi một tỷ lệ lớn dân cư có khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc nhờ vào lần nhiễm trước đó.

WHO ủng hộ đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng, chứ không phải bằng cách để cho dịch bệnh lây nhiễm trong bất cứ bộ phận cư dân nào, gây ra những ca mắc và tử vong không nên có. Miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 nên đạt được bằng cách bảo vệ người dân thông qua chương trình tiêm chủng, chứ không phải bằng cách để họ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Tỷ lệ dân số có khả năng miễn dịch để đạt miễn dịch cộng đồng đối với mỗi loại bệnh có sự khác biệt. Để có miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi, khoảng 95% dân số cần được tiêm chủng. Tỷ lệ này đối với bệnh bại liệt là 80% dân số.

Hiện, các nhà khoa học chưa biết chính xác cần có bao nhiêu phần trăm dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đạt miễn dịch cồng đồng. Đây là lĩnh vực nghiên cứu quan trọng và kết quả sẽ có sự khác biệt phụ thuộc vào cộng đồng, vaccine, đối tượng được ưu tiên tiêm chủng...

Tuy nhiên, WHO khẳng định rằng, đạt miễn dịch cộng đồng bằng các loại vaccine an toàn và hiệu quả sẽ khiến các dịch bệnh trở nên hiếm gặp hơn và tính mạng của người dân được bảo vệ.

Theo Nhân Dân