Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia ngày 7/5 cho biết nước này ghi nhận 1.251 ca COVID-19 mới và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.455.364 ca, trong đó 35.576 người không qua khỏi. Đến nay, 85% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 81,9% đã tiêm đủ liều cơ bản và 49,1% đã tiêm liều tăng cường.
Cùng ngày 7/5, Singapore cho biết nước này có thêm 3.162 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát lên 1.215.499 ca, trong đó 1.350 người không qua khỏi.
Chính phủ Lào ngày 7/5 tuyên bố nước này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông để thúc đẩy du lịch và kinh tế. Theo đó, kể từ ngày 9/5, Lào sẽ mở cửa trở lại mọi cửa khẩu quốc tế đối với hoạt động xuất - nhập cảnh của công dân Lào, ngoại kiều, người nước ngoài và người không có quốc tịch; cho phép công dân các nước có Hiệp định miễn trừ thị thực cả song phương và đơn phương với Lào được nhập cảnh mà không cần xin thị thực; công dân quốc gia không có Hiệp định miễn trừ thị thực với Lào có thể xin cấp thị thực tại Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự Lào tại nước ngoài hoặc xin qua hệ thống thị thực điện tử hoặc xin thị thực tại chỗ ở các cửa khẩu quốc tế. Bên cạnh đó, để thúc đẩy du lịch và kinh tế, Chính phủ Lào cũng cho phép mở các tụ điểm giải trí và karaoke, tuy nhiên chú trọng việc thực hiện biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.
Trong bối cảnh số ca mắc mới ở Thái Lan tiếp tục giảm ở mức dưới 10.000 ca/ngày, Bộ Y tế nước này đã đặt mục tiêu công bố coi COVID-19 là bệnh đặc hữu vào tháng 7 tới. Theo đó, các quy định về đeo khẩu trang có thể được nới lỏng, nhưng điều này cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở từng khu vực. Thái Lan ngày 7/5 ghi nhận 8.450 ca mắc mới và 58 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc mới không bao gồm 10.467 ca có kết quả dương tính từ các xét nghiệm kháng nguyên. Như vậy, kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan vào đầu năm 2020, nước này đã xác nhận tổng cộng 4.316.769 ca nhiễm, trong đó có 29.034 người không qua khỏi.
Ngày 7/5, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tiến hành đợt xét nghiệm mới với quy mô lớn và ngừng hoạt động thêm nhiều tuyến xe buýt cùng tàu điện ngầm trong bối cảnh Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới phòng chống dịch bệnh với các biện pháp phản ứng nhanh chóng và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến thể Omicron rất dễ lây lan và khó nắm bắt.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 6/5, nước này có 345 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó riêng tại Thượng Hải là 253 ca. Về số ca không triệu chứng, trong ngày 6/5, Thượng Hải có 3.961 ca trong tổng số 4.275 ca tại Trung Quốc. Ngày 7/5, giới chức Thượng Hải đã thông báo hoãn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học thêm một tháng. Kỳ thi tuyển sinh đại học gần đây nhất được tổ chức là vào năm 2020 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàn Quốc ngày 7/5 ghi nhận 39.600 ca nhiễm mới và 83 ca tử vong nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 17.504.334 ca, trong đó 23.289 người không qua khỏi. Đến nay, 86,8% dân số Hàn Quốc đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, trong đó 64,6% đã tiềm liều tăng cường.
Ấn Độ ngày 7/5 ghi nhận tổng cộng 43.098.743 ca COVID-19 sau khi có thêm 3.805 ca nhiễm mới. Hiện số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này cũng tăng lên 524.024 ca sau khi có thêm 22 người không qua khỏi.
Ở châu Mỹ, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho những người trên 50 tuổi. Theo đó, họ có thể tiêm liều thứ tư sau khi tiêm liều thứ ba khoảng 4 tháng. Trên 12,5 triệu người ở Colombia đủ điều kiện tiêm liều thứ tư.
Đến nay, hơn 83% dân số Colombia đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó khoảng 70% đã tiêm đủ liều cơ bản. Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Colombia cho thấy quốc gia Nam Mỹ này hiện ghi nhận tổng cộng 6.093.645 ca COVID-19, trong đó 139.809 ca tử vong.
Theo TRẦN QUYÊN (TTXVN)