Thế giới hơn 38 triệu ca Covid-19, châu Âu siết biện pháp dập dịch

14/10/2020 - 07:26

Diễn biến dịch phức tạp buộc nhiều nước châu Âu phải siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 14-10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã có hơn 38,3 triệu người nhiễm virus corona chủng mới, gần 1,1 triệu trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hơn 28,8 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 8 triệu ca mắc và 220.740 bệnh nhân tử vong. Ấn Độ và Brazil lần lượt là các ổ dịch lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới.

Người dân đeo khẩu trang khi ra đường ở Rome, Italia. Ảnh: Reuters

Theo báo Guardian, tình hình Covid-19 tại châu Âu có chiều hướng diễn biến xấu, buộc các chính phủ phải cho triển khai những biện pháp mạnh tay hơn nhằm dập dịch.

Hà Lan tái áp phong tỏa

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 13-10 tuyên bố, nước này phải tái áp dụng phong tỏa một phần, kể cả đóng cửa các quán bar và nhà hàng để ngăn chặn virus lây lan ở một trong những "điểm nóng" về dịch của châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình quốc gia, ông Rutte cho biết, "các biện pháp có sức nặng, mới" bao gồm cả việc cấm bán rượu bia vào buổi tối, cấm tụ tập từ 30 người trở lên và quy định đeo khẩu trang bắt trang bắt buộc đối với người từ 13 tuổi trở lên tại các không gian đóng kín.

Những biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 14-10 và kéo dài trong 2 tuần. Quyết định nhằm ứng phó với việc tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Lan trong vài tuần gần đây, lên đến mức kỷ lục trong ngày là gần 7.400 người hôm 13-10. Quốc gia 17 triệu dân này hiện có tỷ lệ lây nhiễm tính trên đầu người thuộc dạng cao nhất thế giới.

Italia công bố các biện pháp giới hạn mới

Reuters đưa tin, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm 13-10 đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp giới hạn mới nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong vòng 24 giờ và kéo dài trong một tháng.

Theo những quy định mới, các bữa tiệc tại nhà hàng, câu lạc bộ hoặc ngoài trời đều bị cấm. Nhà chức trách khuyến nghị người dân không nên tổ chức tiệc tại nhà riêng hoặc đón tiếp hơn 6 vị khách tại nhà cùng lúc.

Số người tham gia đám cưới và các lễ kỷ niệm khác không được quá 30 người. Sắc lệnh cũng đề xuất việc đeo khẩu trang tại nhà khi có sự hiện diện của khách.

Italia hiện ghi nhận gần 366.000 ca mắc với hơn 36.246 người tử vong. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại quốc gia châu Âu này đã tăng gấp đôi hồi tuần trước, lần đầu tiên kể từ tháng 3 lên tới hơn 5.000 trường hợp hôm 9-10 và tiến gần 6.000 trường hợp hôm 10-10. Số ca nhiễm đã giảm xuống đôi chút trong hai ngày gần đây nhưng các quan chức cảnh báo xu hướng gia tăng vào nửa cuối mỗi tuần.

Nga ghi nhận kỷ lục buồn, sẵn sàng chia sẻ dữ liệu vắc-xin với Mỹ

Nga vừa trải qua một ngày ảm đạm khi số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 trong ngày lên tới mức kỷ lục. Trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm gần 13.900 ca mắc, nâng tổng số bệnh trên toàn quốc lên hơn 1,3 triệu người. Số trường hợp tử vong trong ngày 13-10 cũng lên tới 244 người, nhiều nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng trên toàn quốc lên 22.966 người.

Trong một cuộc phỏng vấn mới với hãng tin CNN, Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tuyên bố, nếu nhận được yêu cầu chính thức từ giới chức y tế Mỹ, RDIF sẵn sàng cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến vắc-xin Sputnik V, loại vắc-xin ngừa Covid-19 được phê chuẩn đầu tiên trên thế giới cho tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ. Ông Fauci là một trong những cố vấn hàng đầu cho cuộc chiến chống đại dịch của Chính phủ Mỹ và từng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của vắc-xin do Nga phát triển và chế tạo.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 24 của Nga hôm 12-10, ông Dmitriev cho hay, Sputnik V có thể được sử dụng rộng rãi ở nước này vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.

IMF cảnh báo sự phục hồi kinh tế "dài, trắc trở"

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 13-10 dự báo nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm 4,4% trong năm 2020. Đây là mức dự báo ít nghiêm trọng hơn so với hồi tháng 6, do sự phục hồi kinh tế mạnh hơn dự kiến ở Mỹ và châu Âu sau khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa cũng như tốc độ khôi phục tăng trưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, IMF đã hạ mức kỳ vọng cho năm 2021. Tổ chức hiện cho rằng, tổng thu nhập toàn cầu sẽ tăng 5,2% vào năm tới, giảm so với mức 5,4% đưa ra trong báo cáo gần đây nhất. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng giảm mức dự báo cho năm 2021.

CNN trích dẫn một bài viết của kinh tế gia trưởng IMF Gita Gopinath cảnh báo, quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch "nhiều khả năng sẽ kéo dài, không bằng phẳng và không chắc chắn".

Theo TUẤN ANH (Vietnamnet)