Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), do các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) dẫn đầu, cho thấy số lượng loài chim trên hành tinh nhiều gấp sáu lần loài người.
Có bốn loài chim được các nhà nghiên cứu gọi là “câu lạc bộ tỷ người”, với số lượng ước tính lớn hơn 1 tỷ cá thể. Đó là loài chim sẻ nhà, chim sáo châu Âu, mòng biển mỏ vòng và chim én, được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã ước tính số lượng của 9.700 loài, bằng cách dựa trên hàng trăm triệu quan sát về loài chim được những người theo dõi chim trên eBird ghi lại, đây là một trong những dự án khoa học cộng đồng về đa dạng sinh học lớn nhất thế giới.
Họ tổng hợp các hồ sơ với các quan sát khoa học chuyên nghiệp để phát triển một thuật toán ước tính số lượng quần thể của hầu hết các loài. Nhóm các nhà khoa học nhận thấy, có tương đối ít cá thể của các loài chim phổ biến, nhưng có một số lượng lớn các loài quý hiếm.
Nghiên cứu ước tính nhiều loài chim ở Australia như loài vẹt cầu vồng có số lượng lên tới hàng triệu con. Ảnh: Guardian.
Phó giáo sư Will Cornwell, một nhà sinh thái học của UNSW và là một trong những nhà khoa học dẫn đầu của nghiên cứu này cho biết: “Chúng có thể hiếm vì lý do tự nhiên, khi chúng thực sự chỉ sống trên một hòn đảo hoặc đỉnh của một ngọn núi, hoặc chúng có thể hiếm vì nguyên nhân do con người”.
Ông cho biết, theo thời gian, ông hy vọng các mô hình có thể lập biểu đồ loài nào đang suy giảm và cần nỗ lực bảo tồn ở đâu.
Nhiều loài chim ở Australia lên tới hàng triệu con như loài vẹt cầu vồng (19 triệu cá thể), vẹt mào vàng (10 triệu cá thể) và chim bói cá cười (3,4 triệu cá thể).
Ông Sean Dooley, người quản lý các vấn đề công cộng của BirdLife Australia, từng theo dõi chim lâu năm và là người có nhiều đóng góp cho các chương trình khoa học cộng đồng. Ông cho biết, bài báo cho thấy giá trị mà những quan sát của người dân có thể đóng góp vào kiến thức khoa học.
“Đây là bước đầu tiên tuyệt vời để cố gắng phát hiện những gì chúng ta đang có. Sẽ rất quan trọng nếu chúng ta có thể tiếp tục làm việc này theo thời gian, vì chúng ta đang chứng kiến sự mất mát lớn về động vật hoang dã. Nghiên cứu có thể giúp chúng ta làm điều cần thiết để tiến gần đến việc định lượng những gì đang diễn ra”.
Phó giáo sư Cornwell cho biết, bằng cách kết hợp các hồ sơ theo dõi chim và giám sát chuyên nghiệp đối với các loài chim vốn là đối tượng của nghiên cứu học thuật nghiêm ngặt, các nhà khoa học đã điều chỉnh một số điều chưa chắc chắn qua khoa học cộng đồng.
Ông cho biết mô hình này sau đó đã được áp dụng cho những loài chim chưa được nghiên cứu chuyên nghiệp. Con số 50 tỷ cá thể chim đại diện cho ước tính trung bình mà mô hình đưa ra cho tổng số loài chim trên toàn thế giới.
Ông Cornwell nói: “Bước đột phá thực sự lớn trong nghiên cứu này là chúng tôi có thể lấy dữ liệu khoa học và dữ liệu khoa học cộng đồng và sau đó lấp đầy khoảng trống cho các loài chim không được các nhà khoa học chuyên nghiệp nghiên cứu”.
Ông Cornwell cho biết, vẫn còn một số điểm không chắc chắn trong các số liệu và các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch cải tiến mô hình khi có nhiều nghiên cứu chuyên nghiệp hơn về nhiều loài hơn.
Ông cũng cho rằng, nghiên cứu đã bộc lộ những lỗ hổng về thông tin do sự chú ý quan trọng của giới khoa học dành cho các loài chim ở các vùng phát triển so với các nước đang phát triển trên thế giới, và sự cần thiết phải tinh chỉnh ước tính dân số toàn cầu cho tất cả các loài.
Theo ông, điều này cũng cho thấy vai trò của khoa học cộng đồng trong những nỗ lực đó. Các nhà khoa học sẽ tiến hành một đợt khảo sat khác trong vài năm tới.
Theo TRÀ LAM (Báo Nhân Dân)