COVID-19 tới 6 giờ sáng 20-8:

Thế giới trên 22,5 triệu ca bệnh; tử vong trong ngày tăng mạnh

20/08/2020 - 07:52

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 229.276 trường hợp mắc COVID-19 và 5.627 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 22,5 triệu người.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bordeaux, Pháp . Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20-8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 22.526.729 ca, trong đó có 789.146 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 15.266.070 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 62.026 ca và 6.471.513 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 19-8, thế giới có tới 151 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, tổng số ca tử vong trên phạm vi toàn cầu tăng mạnh.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (69.196 ca), Brazil (44.780 ca) và Mỹ (38.694 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.090 ca), Brazil (1.081 ca), Ấn Độ (980 ca) và Mexico (751 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Gần 1/4 số ca nhiễm được ghi nhận tại khu vực Bắc Mỹ (với 5.694.668 ca). Châu Á đứng thứ hai với 5.927.812 ca nhiễm và 124.920 ca tử vong. Khu vực Nam Mỹ ghi nhận 5.459.104 ca, trong khi con số này của châu Âu là 3.247.284 ca. Số ca nhiễm ở châu Phi đã vượt 1.100.000, trong khi châu Đại Dương có 26.251 ca nhiễm.

Tại châu Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng cộng 2.835.822 ca nhiễm sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất (69.196 ca). Theo Bộ Y tế nước này, hiện tổng số ca tử vong cũng tăng lên 53.994 ca.

Trong những tuần gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường tiến hành xét nghiệm. Tính đến ngày 18-8, nước này đã thực hiện tổng cộng 31.742.782 lượt xét nghiệm, trong đó riêng ngày 18-8 đã tiến hành 801.518 lượt.

Iran là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai châu Á, với 350.279 ca nhiễm, trong khi số ca tử vong đã vượt quá 20.000 ca. Tiếp đó là Saudi Arabia với 302.686 ca nhiễm và 3.506 ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 17 ca nhiễm mới, tất cả đều là các ca nhập cảnh trong khi không có ca tử vong mới. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 84.888 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong, 79.685 bệnh nhân đã xuất viện, 569 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 26 ca bệnh nặng.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh (KCDC) cho biết ngày 19-8 là ngày thứ 6 liên tiếp nước này có hơn 100 ca mắc mới và phần lớn ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm gần một nửa dân số Hàn Quốc. Cũng theo KCDC, không có thêm ca tử vong nào ở Hàn Quốc.

Bắt đầu từ 0h00 ngày 19-8, Chính phủ Hàn Quốc cấm mọi cuộc tụ tập, hoạt động tại các nhà thờ ở thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, chỉ cho phép các buổi cầu nguyện "không tiếp xúc", trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đang có chiều hướng tăng vọt, chủ yếu do lây nhiễm tập thể liên quan tới các nhà thờ ở các địa phương này.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 19-8 phải gia hạn đến ngày 18-9 khuyến cáo đặc biệt về đi lại đối với tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, công dân Hàn Quốc tiếp tục được khuyến cáo hủy hoặc hoãn các kế hoạch đi ra nước ngoài.

Trong khi đó, tình hình tại "điểm nóng" về dịch ở Australia là bang Victoria đã có xu hướng giảm dần trong những ngày gần đây, làm dấy lên hy vọng dịch bệnh thuyên giảm tại bang đông dân thứ hai này. Trong 24 giờ qua, bang Victoria thông báo có thêm 216 ca nhiễm - mức tăng trong ngày thấp nhất trong 1 tháng qua - và 12 ca tử vong.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19-8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.685 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 9.380 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.

Philippines dịch bệnh đang quay trở lại với nhiều diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay.

Cùng ngày, Chính phủ Philippines đã nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận, theo đó cho phép thêm nhiều cơ sở kinh doanh được nối lại hoạt động. Tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện là 173.774 ca, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong khi tổng số ca tử vong là 2.795 ca.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 9.385 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 180 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 389.217 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 278.372 trường hợp.

Ngày 19-8, Thái Lan đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên bên ngoài khu cách ly của nhà nước trong bối cảnh nước này vừa trải qua ngày thứ 86 không ghi nhận bất cứ trường hợp lây nhiễm nào trong nước.

Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 58 ca tử vong. Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đang cân nhắc gia hạn quy định khẩn cấp chống đại dịch thêm một tháng, đến ngày 30-9 tới nhằm thực thi hiệu quả các biện pháp chống dịch.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan, Malaysia hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Tại châu Âu, Nga là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất với 937.321 ca nhiễm sau khi ghi nhận 4.828 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ngoài ra, 117 ca tử vong trong ngày 19-8 đã nâng số ca tử vong ở nước này lên 15.989 ca.

Tại nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU), số ca nhiễm cũng tăng mạnh trở lại khi Pháp ghi nhận số hơn 3.000 ca mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này gỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi tháng 5 vừa qua. Số bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng, với trên 200 bệnh nhân mỗi ngày.

Tình hình đại dịch tại Tây Ban Nha cũng rất đáng lo ngại. Nước này đã ghi nhận 384.270 ca nhiễm, và 28.670 ca tử vong. Viện Robert Koch (RKI), cơ quan chính phủ liên bang Đức về phòng và kiểm soát dịch bệnh, đã ghi nhận thêm 1.510 ca bệnh mới, nâng tổng số bệnh nhân tại Đức lên 226.914 ca.

Tương tự tại Bỉ, số ca lây nhiễm tăng vọt kể từ đầu tháng 6, với gần 1.000 ca mỗi ngày. Điều này kéo theo số bệnh nhân phải nhập viện gia tăng.

Theo các chuyên gia y tế Bỉ, khác với đợt dịch lần đầu, ở đợt bùng phát dịch lần 2, đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là thanh niên, nên số ca tử vong không cao nhưng nguy cơ lây nhiễm là đáng lo ngại. Trong khi đó, các nước Đông Âu như Ukraine và Romania cũng ghi nhận trên dưới 1.500 ca nhiễm mới trong ngày 19-8.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, nhiều nước châu Âu đã ban bố các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Ngày càng nhiều thành phố của Pháp quy định bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi Chính phủ Italy ra sắc lệnh bắt buộc đeo khẩu trang từ 6h - 18h tại các nơi công cộng đông người.

Xác định những hoạt động hội hè, tụ tập đông người là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm trong cộng đồng, Tây Ban Nha tiếp bước Italy một lần nữa đóng cửa các hộp đêm, vũ trường và các nhà hàng phải đóng cửa muộn nhất là 24h. Ngoài ra, 6 trên 17 vùng của Tây Ban Nha cũng ra quy định cấm hút thuốc ngoài đường phố.

Đảo quốc Malta, cũng bị ảnh hưởng nặng bởi số ca mắc COVID-19 tăng vọt, từ ngày 17-8 cũng ra quyết định tạm thời đóng cửa các vũ trường và hộp đêm. Cơ quan bảo vệ dân sự Hy Lạp ngày 19-8 cho biết nước này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch tại đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Mykonos và vùng ven biển Chalkidiki thuộc miền Bắc nước này.

Nhiều quốc gia châu Âu khác không thực hiện biện pháp cách ly, tuy nhiên, yêu cầu xét nghiệm PCR, như tại Áo đối với các khách du lịch từ Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Đặc biệt, nhiều nước châu Âu đã một lần nữa đóng cửa biên giới đối với một số người đến từ những nước đang có nguy cơ cao, như Phần Lan không cho phép các công dân Pháp vào nước này nếu không chứng minh được là đang cư trú tại Phần Lan, hoặc có mối liên hệ gia đình với người địa phương hay tới nước này vì lý do nghề nghiệp, học tập…

Chính phủ Phần Lan thông báo sẽ đưa hầu hết các nước EU ra khỏi "danh sách đi lại xanh", theo đó, chỉ có công dân một số nước có thể nhập cảnh nước này. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 24-8 tới. Hiện Phần Lan vẫn là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Âu, với chỉ 5,3 ca mới/100.000 người trong hai tuần qua, dù số ca mắc đang tăng lên.

Như một trong các biện pháp nhằm sớm khoanh vùng dịch, Chính phủ Anh cho biết sẽ mở rộng nghiên cứu xét nghiệm toàn quốc, với mục tiêu mỗi tuần tiếp cận dữ liệu của 400.000 người về sự lây lan của đại dịch và xác định tốt hơn các đợt bùng phát dịch tại địa phương trong tương lai.

Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội cho biết ban đầu sẽ tiến hành xét nghiệm 150.000 người tại vùng England 2 tuần/lần vào tháng 10, gấp hơn 5 lần so với hiện nay (28.000 người), tiến tới mục tiêu cuối cùng là 400.000 người trên toàn quốc. Nghiên cứu xét nghiệm trên do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh thực hiện, cũng sẽ được mở rộng tới Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.

Chuyên gia hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền nhà ở Balakrishnan Rajagopal cảnh báo tình trạng số người bị đuổi khỏi nhà ở đang gia tăng trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước áp dụng quy định cấm đuổi người ra khỏi nhà cho đến khi đại dịch kết thúc.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạt động xã hội và các nhóm cứu trợ ở Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch - đang đấu tranh để hàng triệu người không bị đẩy vào cảnh vô gia cư. Theo Viện Aspen, ước tính hơn 40 triệu người ở Mỹ có nguy cơ bị đuổi khỏi nhà trong những tháng tới.

Theo ông Rajagopal, trong tháng 5 vừa qua tại Kenya, hơn 8.000 người bị buộc phải rời khỏi nhà trong một ngày, trong khi ở Brazil có hơn 2.000 gia đình đã bị đuổi ra khỏi nhà trong đại dịch COVID-19. Ông cảnh báo nguy cơ xảy ra hàng loạt vụ việc như vậy trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh “mất nhà trong đại dịch này có thể đồng nghĩa mất mạng”.

Chuyên gia của LHQ nêu rõ quyền có nhà ở là trọng tâm của bất kỳ biện pháp ứng phó nào đối với đại dịch COVID-19, song các vụ đuổi người ra khỏi nhà đang ở và phá dỡ nhà cửa lại đang có xu hướng gia tăng. Ông kêu gọi chính phủ các nước không được để người dân trở thành người vô gia cư trong đại dịch vì họ bị mất việc làm và không trả được tiền thuê nhà hoặc không có tài sản thế chấp.

Ngày 19-8, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly thông báo, kể từ ngày 1-9 tới, quốc gia Bắc Phi sẽ yêu cầu tất cả du khách nhập cảnh nước này phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) âm tính với virus SARS-CoV-2.

Phát biểu họp báo, Thủ tướng Madbouly cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng. Trên cơ sở đó, Ai Cập mong muốn đảm bảo sức khỏe đối với du khách nhập cảnh nước này, cũng như với công dân Ai Cập, thông qua chứng nhận xét nghiệm.

Theo số liệu tính đến hết ngày 19-8, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 96.753 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 5.184 bệnh nhân tử vong.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin tức)