Thế giới tuần qua: Leo thang đối đầu ở Biển Đen; Biến thể Delta đe dọa nỗ lực chống COVID-19

04/07/2021 - 07:00

Gia tăng hoạt động quân sự của Nga và phương Tây ở Biển Đen cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 liên quan đến biến chủng Delta là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.

Biển Đen “nổi sóng” 

Tàu khu trục USS Ross tiến vào Biển Đen tham dự diễn tập quân sự Sea Breeze 2021”. Ảnh: DPA

Bất chấp phản đối của Nga, ngày 28/6, Mỹ, Ukraine đã đồng chủ trì khai màn cuộc diễn tập “Sea Breeze 2021” (Gió Biển 2021) với quy mô lớn nhất kể từ năm 1997. Tập trận kéo dài trong hai tuần, với sự tham gia của khoảng 5.000 binh sĩ từ 32 nước, huy động khoảng 30 tàu, 40 máy bay, trong đó có tàu khu trục USS Ross.

Phát biểu tại buổi diễn tập, thuyền trưởng Kyle Gantt, sĩ quan quân đội Mỹ và là Phó chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm 65 tuyên bố lực lượng đồng minh qua hoạt động diễn tập lần này muốn cho thế giới thấy rằng Biển Đen là vùng biển quốc tế, vùng mở cho tự do hàng hải và tự do thương mại với mọi quốc gia và không thuộc về bất kì quốc gia nào.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặc trách khu vực Nam Kavkaz và Trung Á, ông James Appathurai, tuyên bố tổ chức quân sự này sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đen, bất chấp quan điểm của Nga. Phát biểu trước truyền thông ngày 30/6, ông Appathurai cho biết NATO sẽ duy trì sự hiện diện ở Biển Đen để hỗ trợ các đồng minh và đối tác.

Đáp lại, hải quân Nga trong ngày 1/7 mở cuộc tập trận trên Biển Đen. Hai tàu chiến cỡ lớn của Hạm đội Biển Đen đã được huy động để thực hiện khoa mục bắn các mục tiêu giả định trên biển và trên không ở Biển Đen. Trước đó một ngày, Nga cũng tiến hành thử, kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu của hệ thống phòng không ở Crimea, trong một động thái mang tính phô diễn sức mạnh trước NATO. Trong đợt kiểm tra này, Nga huy động khoảng 20 máy bay chiến đấu, trực thăng cùng hệ thống tên lửa phòng không S-400 và Pantsir.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 2/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ với cuộc tập trận chung “Sea Breeze 2021”, NATO đang biến Biển Đen từ một không gian hợp tác thành khu vực đối đầu, gây bất ổn tình hình ở khu vực dọc biên giới Nga. “Sea Breeze 2021" với sự tham gia của 5.000 quân vượt khỏi khuôn khổ của một cuộc tập trận định kỳ,  là hành động được tính toán và có sự phối hợp. Bà Zakharova cho rằng rõ ràng mục tiêu của NATO là gây bất ổn tình hình ở khu vực biên giới với Nga và gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang.

Trước đó, Biển Đen đã có dấu hiệu nóng lên sau một số “va chạm” giữa Nga với các nước NATO. Hôm 23/6, Nga xác nhận đã điều tàu, máy bay bắn cảnh cáo và thả bom chặn đường đi của tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Anh ở Biển Đen, với cáo buộc tàu chiến Anh đã vi phạm lãnh hải gần Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga hồi năm 2014. Vụ việc được Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace chỉ trích là “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp”.

Đến ngày 29/6, Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết chiến đấu cơ của Nga đã “quấy rối” khinh hạm HNLMS Eversten của Hà Lan khi tàu chiến này hoạt động trong khu vực Biển Đen hôm 24/6. Máy bay Nga có trang bị bom và tên lửa không đối đất đã áp sát tàu chiến của Hà Lan và tiến hành các cuộc tấn công nghi binh và gây nhiễu hệ thống liên lạc.

Giới phân tích nhận định gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đen đẩy nguy cơ xung đột giữa các lực lượng của Nga và NATO tại vùng biển này lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sẽ không có ai là người chiến thắng nếu nổ ra đụng độ ở Biển Đen. Vấn đề đặt ra với các bên là kiểm soát bất đồng, tránh tính toán và hành động sai lầm.

Biến chủng Delta cản trở nỗ lực chống COVID-19 toàn cầu

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Đà lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta gây ra mối đe dọa mới đối với nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19. Biến chủng xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ này đã hiện diện ở ít nhất 96 quốc gia trên thế giới và là tác nhân chiếm phần lớn tổng số ca nhiễm mới ở nhiều nước. Trên phạm vi toàn cầu, hiện chỉ còn Nam Mỹ là khu vực chưa chứng kiến bùng phát mạnh của biến chủng Delta.

Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 giảm mạnh từ đỉnh điểm khoảng 250.000 ca/ngày xuống còn 11.000 ca/ngày vào giữa tháng 6, nhưng đang có xu hướng tăng trở lại trong 2 tuần qua. Biến thể Delta hiện chiếm đến 1/4 tổng số ca nhiễm mới tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden ngày 2/7 cảnh báo biến chủng Delta là mối lo ngại đặc biệt với Mỹ, khi mục tiêu tiêm chủng 70% dân số trước ngày 4/7 có nguy cơ thất bại.

Tại châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/7 cảnh báo thời kỳ 10 tuần giảm số ca COVID-19 ở châu Âu đã "kết thúc". Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, số ca nhiễm trên toàn châu Âu tuần qua đã tăng 10%. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, nguy cơ lây nhiễm từ chủng Delta là từ "cao cho tới rất cao", đặc biệt với một số nhóm không tiêm vaccine. Cơ quan này ước tính đến cuối tháng 8, biến chủng Delta có thể sẽ chiếm tới 90% trong tổng số các ca bệnh ở Liên minh châu Âu.

Châu Phi là khu vực chịu nhiều sức ép. Ít nhất 21 trên tổng số 54 quốc gia ở châu lục đang phải đối diện với bùng phát lây nhiễm mới, với số ca nhiễm tính theo ngày có xu hướng vượt trội so với những làn sóng trước do sự xuất hiện của biến chủng Delta. Mới chỉ có 1,1% trong tổng số 1,3 tỉ dân châu Phi được tiềm vaccine đủ liều. Các bệnh viện ở Uganda, Nam Phi, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo đã rơi vào tình trạng quá tải, một số nước buộc phải tái áp đặt đóng cửa.

Chủng Delta cũng gây ra “bão lây nhiễm” ở châu Á. Indonesia đang là “tâm điểm” đáng lo ngại ở châu lục. Trong ngày 3/7, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới ghi nhận 27.913 ca mắc mới, mức cao kỉ lục từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 2.256.851 ca. Chính quyền Tổng thống Joko Widodo hôm 1/7 đã phải siết chặt một bước các biện pháp phòng dịch ở những vùng bị ảnh hưởng nặng, như yêu cầu nhân viên trong những ngành không thiết yếu làm việc tại nhà, tạm thời đóng cửa các cơ sở tôn giáo.

Thái Lan ngày 3/7 ghi nhận thêm 6.230 ca nhiễm mới và  41 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu mùa dịch tới nay lên 277.151 ca, với 2.182 người tử vong. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, với 1.917 ca ghi nhận trong ngày 3/7. Giới chức y tế nước này nhận định khoảng 70% bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Bangkok bị nhiễm biến thể. Trước đó, Thái Lan đã phải ban bố các biện pháp siết chặt kiểm soát mới. Thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác đã tạm đóng cửa các nhà hàng, cấm hoạt động tụ tập ngoài trời trên 20 người.

Theo HOÀI THANH (Báo Tin Tức)