Thế giới tuần qua: NATO công bố Khái niệm Chiến lược mới; Tái bùng phát COVID-19 tại nhiều nước

03/07/2022 - 08:29

Hai sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua chính là việc NATO đưa ra Khái niệm Chiến lược mới coi Nga là mối đe dọa trực tiếp, cùng với làn sóng tái bùng phát COVID-19 ở nhiều quốc gia do biến thể phụ của Omicron gây ra.

Khái niệm Chiến lược mới của NATO

Ngày 29/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra tuyên bố chung về Khái niệm Chiến lược mới với những luận điểm rõ ràng về quan hệ với Nga và Trung Quốc. 

Hãng Reuters đưa tin sau hai ngày họp bàn tại Madrid, các nhà lãnh đạo NATO đưa đưa ra Khái niệm Chiến lược mới xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực, đồng thời vạch ra đường hướng giải quyết những thách thức đó. Đây được cho là lộ trình hoạt động của NATO trong 10 năm tới. Ngoài ra, NATO đã nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này. Quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cần được Quốc hội của 30 nước thành viên NATO thông qua và Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn bình thường.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid. Ảnh: EPA-EFE

Bên cạnh đó, NATO quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức trên 300.000 quân. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết khái niệm mới sẽ nâng cấp mạnh mẽ hệ thống phòng thủ phía Đông của khối. 

Liên minh này đã coi các lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt là của Mỹ, là sự đảm bảo cao nhất về an ninh. Chiến lược răn đe hạt nhân của NATO cũng phụ thuộc vào việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trong tương lai cùng với sự đóng góp của các đồng minh khác.

Tổ chức này có kế hoạch phát triển các công nghệ tiên tiến, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quân sự. Khối NATO cho rằng khả năng các nước thành viên bị tấn công từ bên ngoài là có thể xảy ra.

Mặt khác, NATO xem việc mở rộng thành viên và phạm vi hoạt động là một thành công mang tính lịch sử giúp đảm bảo an ninh cho hàng triệu công dân châu Âu. Khối quân sự này dự kiến tăng cường đáng kể lực lượng nhằm mục đích tự vệ và răn đe Nga. Để đạt được mục tiêu trên, các quốc gia thành viên nhất trí mở rộng ngân sách quân sự lên trên 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Một điểm đáng chú ý trong Khái niệm Chiến lược mới chính là việc khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã xem Nga là mối đe dọa rõ rệt và trực tiếp nhất đối với an ninh của khối. Tổ chức này không còn coi Moskva là đối tác, song vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc. Dù vậy, NATO khẳng định không muốn đối đầu với Nga. Liên minh này tin rằng mối quan hệ giữa hai bên có thể thay đổi, tùy thuộc vào hành động của Moskva. 

Theo hãng thông tấn TASS, phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đánh giá rằng với tuyên bố xem Nga là một mối đe dọa an ninh, NATO đã có ý định đối đầu với Nga trên mọi mặt trận.

Đáng lưu ý, tài liệu mới của NATO cũng lần đầu tiên đề cập đến Trung Quốc. Mặc dù không trực tiếp gọi nước này là kẻ thù, nhưng Khái niệm Chiến lược đề cập đến Trung Quốc như một mối thách thức và một đối thủ cạnh tranh. Trong tuyên bố chung, NATO khẳng định mối quan hệ sâu rộng giữa Nga và Trung Quốc đã vi phạm các lợi ích và giá trị của liên minh này. Theo NATO, Trung Quốc đã tìm cách phá trật tự thế giới hiện tại bằng cách kiểm soát hậu cần và kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố trên đã bị phía Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối. Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Zhang Jun cho biết: “Trung Quốc rất quan tâm đến việc điều chỉnh chiến lược của NATO, cũng như quan ngại sâu sắc về chính sách của Khái niệm Chiến lược”. 

Ngoài ra, NATO sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác với Ukraine và Georgia - hai quốc gia đang tìm cách gia nhập khối. Các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua một chương trình hỗ trợ bổ sung cho Ukraine, viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev nếu cần thiết.

Biến thể phụ khiến số ca COVID-19 tăng mạnh

Báo Straits Times của Singapore cho hay nhiều quốc gia đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, với nguyên nhân chính được cho là do biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn gây ra. 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy những biến thể phụ này không bị giới hạn bởi kháng thể từ lần nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó, hoặc nhờ tiêm vaccine phòng ngừa. Đó cũng là lý do tại sao chúng trở thành các chủng chiếm ưu thế hiện nay. Các quốc gia đã phải ban bố cảnh báo hoặc điều chỉnh lại các quy định về phòng dịch để đối phó với diễn biến xấu trên. 

Một tuyến phố đông đúc ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP

Tại Australia, chính quyền cảnh báo thủ đô Canberra đang trải qua một đợt lây nhiễm COVID-19 mới và dự kiến kéo dài đến đầu tháng 8. Giới chức thành phố này cho biết ngày 28/6 thiết lập một kỷ lục mới về số ca nhập viện liên quan đến COVID-19. Hiện có 121 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện và đây là con số cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Tại Queensland, số người nhập viện đã gia tăng trong suốt tháng 6. 38% các trường hợp được giải trình tự gien ở bang này bị nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5. Khoảng 3-4 tuần trước, con số này chỉ dưới 2%. Australia đã kêu gọi những người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu nên tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư.

Trong khi đó, nước Anh đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba của năm nay. Theo cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia, khoảng 1,7 triệu người bị nhiễm bệnh trong tuần lễ kết thúc vào ngày 18/6. Đây là mức tăng 23% so với một tuần trước đó. 

Chính phủ Anh đang mở chiến dịch tiêm liều bổ sung cho những người trên 65 tuổi, nhân viên y tế và những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương trong những tháng mùa thu tới. Có khả năng danh sách này cũng có thể bao gồm tất cả những người trên 50 tuổi.

Tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng đang gia tăng ở một số quốc gia châu Âu, trong đó có Bồ Đào Nha, Áo, Pháp, Đức và Italy. 

Tác động của biến thể phụ BA.5 được thể hiện rõ ràng nhất tại Bồ Đào Nha, nơi số ca mắc mới tăng vọt. Mức tăng này hiện đã ổn định, nhưng vẫn cao hơn so với tỷ lệ ở những nơi khác.

Tại Pháp, số ca mắc mới đã liên tục tăng đều đặn kể từ cuối tháng 5. Số ca mắc trung bình trong bảy ngày đã tăng tăng gấp bốn lần, từ 17.705 ca vào ngày 27/5 lên 71.018 ca vào 27/6. Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại tại những khu vực đông người, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng, bằng cách gọi đó là "nghĩa vụ công dân". 

Người dân ngắm cảnh trên cầu Pinisi, Jakarta, Indonesia. Ảnh: EPA-EFE

Tại Đông Nam Á, Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng về số ca mắc các biến thể phụ của Omicron. Quốc gia này dự báo làn sóng lây nhiễm này sẽ đạt đỉnh trong tháng 7, với khoảng 17.400 ca mới mỗi ngày.

Hiệp hội Bác sĩ Indonesia tuần trước đã kêu gọi chính phủ xem xét lại quy định về đeo khẩu trang, cũng như quy định bắt buộc xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đối với các chuyến du lịch trong nước.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cảnh báo một đợt bùng phát mới có thể xuất hiện trong vài tháng tới, mặc dù tình hình hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát. Vì lý do này, các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang tại không gian kín sẽ được duy trì.

Ở Pakistan, ngày 26/6, Cơ quan quản lý hàng không của Pakistan đã bắt buộc hành khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay nội địa do số ca nhiễm COVID-19 đang tăng dần trên cả nước. Quy định này được đưa ra một ngày sau khi Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, ghi nhận tỷ lệ dương tính virus tăng đến 21% so với tỷ lệ toàn quốc là 2,8%.

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)