Anh tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ sáng ngày 10-1, thế giới ghi nhận tổng cộng 90.051.230 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.933.522 ca tử vong. Hơn 64,448 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi còn hơn 23,669 triệu người vẫn đang được điều trị.
Tại châu Âu, Anh đã ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu ca mắc COVID-19, sau khi chính phủ nước này công bố 59.927 ca mắc mới và 1.035 trường hợp tử vong trong ngày 9-1. Hiện số người tử vong tại Anh do dịch bệnh lên con số 80.868 người. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Anh và Italy là 2 quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất tại châu Âu.
Từ đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải lần thứ ba phải áp dụng biện pháp phong tỏa, yêu cầu mọi người dân ở yên trong nhà, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm Mới.
Trong khi tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết nước này sẽ mở rộng lệnh giới nghiêm tại 8 tỉnh nữa, ngoài 15 tỉnh khác hiện đang áp dụng biện pháp này, bất chấp một số ý kiến phản đối. Như vậy, 23 trên tổng số 101 tỉnh tại Pháp sẽ thực hiện lệnh giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau, thay vì từ 20 giờ như trước đây.
Các tỉnh này phần lớn nằm ở miền Đông và Đông Nam, nơi tốc độ lây nhiễm ngày càng tăng nhanh, trong đó chỉ trong 24 giờ đã có 21 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Thủ tướng Castex đánh giá dịch bệnh không hề suy yếu mà thậm chí còn đang phát triển mạnh hơn ở một số khu vực.
Ông Castex cũng bảo vệ chiến lược tiêm vắcxin của chính phủ Pháp, vốn đang bị chỉ trích vì khởi đầu chậm chạp so với những quốc gia khác. Theo ông Castex, Pháp cần phải đạt được mục tiêu nhanh chóng "trong điều kiện an toàn tuyệt đối". Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết Pháp sẽ tăng tỷ lệ tiêm chủng từ tuần tới.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn quốc, sau khi có nhiều ý kiến chỉ trích chiến dịch tiêm chủng ở nước này diễn ra quá chậm chạp. Bà Merkel cũng cảnh báo những tuần mùa Đông sắp tới có thể sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch.
Thủ tướng Đức cho rằng các biện pháp phòng chống dịch tuy rất nghiêm ngặt nhưng là rất cần thiết Theo bà Merkel, mục tiêu của các biện pháp nghiêm ngặt là giảm đáng kể số ca nhiễm mới, qua đó lực lượng chức năng có thể theo dõi chuỗi lây nhiễm và điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bà Merkel cũng khẳng định chiến dịch tiêm chủng có khởi đầu chậm, song tốc độ tiêm chủng sẽ tăng lên và trong vài tháng nữa sẽ có đủ vắcxin cho tất cả người dân ở Đức. Thủ tướng Merkel cũng bảo vệ kế hoạch đặt mua vắcxin của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng đây là con đường đúng đắn bởi không một quốc gia nào được an toàn nếu các nước láng giềng còn sự tồn tại của virus.
Tại Trung Đông, ngày 9-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo nước này đã xây dựng chiến lược tiêm chủng vắcxin với 4 giai đoạn nhằm dập dịch bệnh COVID-19, trong đó khoảng 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu và người khuyết tật sẽ được ưu tiên tiêm vắcxin nội địa đầu tiên ngay khi sản xuất xong.
Nhóm thứ hai gồm khoảng 12 triệu người, bao gồm những người đang có bệnh nền và người già trên 65 tuổi. Nhóm thứ ba gồm hơn 19 triệu người sẽ được tiêm phòng ở giai đoạn ba. Giai đoạn thứ tư sẽ tiêm phòng cho phần còn lại của dân số.
Hiện Iran đang trong quá trình phát triển một số loại vắcxin COVID-19. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur cho hay loại vắcxin đầu tiên sẽ sẵn sàng từ mùa Xuân và từ 2-3 loại khác sẽ hoàn thành trong mùa Hè năm 2021. Hiện giới chức Tehran cũng đang cân nhắc phương án mua vắcxin từ nước ngoài, trừ Anh và Mỹ.
Trong khi đó, giới chức Jordan vừa cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 do tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc sản xuất để sử dụng khẩn cấp. Sinopharm cho biết vắcxin của hãng này có tỷ lệ hiệu quả 79%.
Trước đó, nước này cũng đã cấp phép lưu hành và đặt mua 1 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Quốc gia Trung Đông này cũng hy vọng có thể tiếp cận được 650.000 liều vắcxin của AstraZeneca/Oxford thông qua cơ chế phân phối vắcxin COVAX do Liên hợp quốc dẫn đầu. Jordan sẽ khởi động chương trình tiêm chủng vào ngày 13-1 tới.
Tại Nam Mỹ, Bolivia thông báo bắt đầu triển khai chương trình xét nghiệm COVID-19 nhanh, miễn phí và rộng rãi cho người dân trong bối cảnh làn sóng thứ hai của đại dịch này đang tấn công mạnh vào các nước ở khu vực.
Theo đó, chương trình xét nghiệm được triển khai đầu tiên tại thủ đô La Paz và tiếp đó sẽ mở rộng ra cả nước, nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm bệnh và giúp cho các bệnh nhận được điều trị sớm tại các cơ sở y tế. Giới chức y tế cho rằng với việc đưa vào áp dụng chương trình xét nghiệm nhanh, miễn phí và đại trà có thể sẽ làm số lượng ca nhiễm mới gia tăng trong thời gian tới.
Bolivia đang đẩy nhanh quá trình đàm phán mua 5,2 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga và dự kiến sẽ tiếp nhận 2 triệu liều vắcxin của AstraZeneca/Oxford thông qua cơ chế COVAX để có thể khởi động chiến dịch tiêm chủng từ tháng 3 tới.
Vắcxin ngừa COVID-19 do Iran sản xuất. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Theo TTXVN/Vietnam+