Về lý thuyết, Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống số 1, mạnh nhất bảng. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không hẳn đã như vậy.
Trang chủ của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á AFF vừa đăng tải một bài phân tích, trong đó khẳng định, ĐT Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang sở hữu một thế hệ vàng và đoàn quân của HLV Park Hang-seo là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.
Cùng với đó, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Lào và HLV trưởng đội tuyển Indonesia cũng vừa nhận xét rằng, ĐT Việt Nam đang sở hữu dàn cầu thủ chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đây là những phát biểu khách quan và khá đúng đắn.
Đội tuyển Việt Nam có cơ hội lớn lần thứ 2 vô địch Đông Nam Á.
Ngày 4-11 vừa qua, HLV Park Hang-seo đã phải giải thích với báo giới về việc loại tiền đạo Đinh Thanh Trung, đương kim quả bóng vàng Việt Nam.
Đinh Thanh Trung là một tiền đạo đa năng, có kinh nghiệm ở đội tuyển quốc gia với khả năng chơi hiệu quả ở nhiều vị trí. Trong đợt tập huấn vừa qua tại Hàn Quốc, Thanh Trung cũng ghi bàn thắng quan trọng cho ĐT Việt Nam vào lưới của FC Seoul.
Vì vậy, việc loại Thanh Trung vào phút cuối trước khi đội tuyển hành quân sang Lào đã gây ra sự tiếc nuối lớn cho người hâm mộ và giới chuyên môn.
HLV Park Hang-seo trả lời báo giới rằng, Thanh Trung rất xứng đáng được góp mặt và ra sân cùng đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, ông Park chỉ có quyền chọn lựa danh sách 23 cầu thủ. Vì vậy, việc loại Thanh Trung là việc ông Park không hề mong muốn. Thậm chí ông Park còn tỏ ra tiếc nuối vì không thể mang cả Thanh Trung đến AFF Cup 2018.
Phát biểu này của ông Park đã gián tiếp khẳng định rằng, ở ĐT Việt Nam hiện nay, có quá nhiều cầu thủ chất lượng, đồng thời ông cũng có rất nhiều sự lựa chọn. Ngoài Đinh Thanh Trung, tiền vệ tài hoa Minh Vương của CLB Hoàng Anh Gia Lai bị loại trước đó cũng gây nên nhiều tiếc nuối.
Ở 3 tuyến của ĐT ở thời điểm hiện tại, chúng ta đều có rất nhiều tài năng. Ở vị trí “gác đền” sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Văn Lâm và Bùi Tiến Dũng. Ở hàng hậu vệ, chúng ta có Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, Trọng Hoàng, Phan Văn Đức.
Ở hàng tiền vệ là các “nhạc trưởng” tài hoa Hùng Dũng, Xuân Trường, Quang Hải, Đức Huy… Họ đều là những cầu thủ có trình độ và đẳng cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việc ĐT sở hữu dàn cầu thủ chất lượng hàng đầu AFF Cup là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong bóng đá, chất lượng đội hình chỉ là một trong những yếu tố quan trọng.
Chiến thuật, thể lực, thể hình là những vấn đề không thể xem nhẹ. Nếu xét về các yếu tố này, ĐT của chúng ta cũng không có sự chênh lệch quá nhiều so với các ĐT Malaysia và Myanmar, 2 đối thủ chính rất đáng gờm của ĐT Việt Nam ở vòng bảng AFF lần này.
Từ xưa đến nay, dù ở thời điểm nào thì ĐT Malaysia cũng nổi tiếng với lối chơi “chém đinh chặt sắt”. Những tuyển thủ Malaysia các thế hệ luôn có được ưu điểm về thể hình, thể lực rất tốt cùng với quyết tâm thi đấu rất cao. Vì vậy, trong mỗi trận, họ đều di chuyển rất nhiều, áp sát liên tục và không ngại va chạm, phạm lỗi.
Có thể nói, Malaysia là một trong ít ĐT có lối chơi khắc chế và khó chịu nhất đối với ĐT Việt Nam. Ở nhiều kỳ AFF Cup, ĐT của chúng ta đã không ít lần nếm trái đắng trước đội bóng này.
Bên cạnh đó, Myanmar cũng là ĐT không dễ bị bắt nạt. Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước, đội tuyển Myanmar cũng rất được quan tâm đầu tư, nhất là trong công tác đào tạo trẻ. Lứa U19 tài năng của chúng ta gồm những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã từng bị các cầu thủ U19 Myanmar đánh bại không mấy khó khăn.
Từ lứa cầu thủ trẻ được đào tạo tốt, bóng đá Myanmar có nhiều nguồn để cung cấp các cầu thủ chất lượng cho đội tuyển quốc gia của họ. Aung Thu, tiền đạo 24 tuổi là cầu thủ xuất sắc nhất bên phía Myanmar.
Có một điều đáng buồn là dù ở bất kỳ giai đoạn nào, bóng đá Việt Nam cũng luôn sở hữu rất nhiều cầu thủ tài năng. SEA Games 2017 là một trong số ít lần chúng ta có được lứa cầu thủ (U23) tài năng nhất trong lịch sử. Nhưng cuối cùng, họ vẫn phải về nước với thành tích không lọt qua được vòng bảng.
Ở đấu trường AFF Cup, cùng với ĐT Thái Lan, Việt Nam là 1 trong 2 đội bóng có số lần lọt vào bán kết nhiều nhất lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ có duy nhất 1 lần đoạt được chức vô địch vào năm 2008.
10 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam chưa có được thành tích đáng tự hào nào ở đấu trường khu vực. Và với thế hệ vàng hôm nay, một trong số ít đội bóng có đội hình chất lượng nhất Đông Nam Á, chúng ta liệu có thể thêm một lần nữa “xưng Vương” hay không? Mong ước ấy là có cơ sở rất khả quan, nhưng cũng không ít rủi ro khi mà lý thuyết là một chuyện, còn diễn biến thực tế trên sân cỏ có khi lại là chuyện rất khác.
Thái Lan chỉ có đội hình 2 thi đấu tại AFF Cup 2018
ĐT Thái Lan vừa chính thức công bố đội hình tham dự AFF Cup 2018 với việc vắng mặt nhiều ngôi sao sáng giá nhất đất nước của họ. Cụ thể, thủ môn Kawin (đang thi đấu cho OH Leuven của Bỉ), và 3 cầu thủ đang thi đấu ở Nhật Bản gồm: tiền vệ Chanathip (Consadole Sapporo), Teerasil Dangda (Sanfrecce Hiroshima) và hậu vệ Theerathon (Vessel Kobe) đều không được CLB chủ quản cho phép trở về khoác áo đội tuyển Thái Lan với lý do AFF Cup 2018 không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA.
Ngoài ra, bốn cầu thủ khác thường xuyên góp mặt trong màu áo ĐTQG là Siroch Chatthong, Tristan Do, Charyl Chappuis, Sarach Yooyen và Kroekrit Taweekarn cũng sẽ vắng bóng ở giải đấu lần này. Được biết, 23 cầu thủ Thái Lan tham dự giải AFF Cup 2018 đều chỉ đang thi đấu cho các đội bóng trong nước.
Theo Công an nhân dân