Thể thao Việt Nam nhằm mục tiêu vào tốp ba SEA Games 32

13/03/2023 - 07:56

Chỉ gần hai tháng nữa, thể thao Việt Nam sẽ bước vào tranh tài tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực-SEA Games 32, từ ngày 5 đến 17/5 tại Campuchia.

Vận động viên Đội tuyển Cử tạ tích cực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32. (Ảnh MỸ HÀ)

Sau kỳ đại hội thành công rực rỡ trên sân nhà, chúng ta chuẩn bị bước vào một kỳ giải dự báo không ít khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực khi đối mặt những quy định hạn chế tham gia tranh tài ở nhiều nội dung thế mạnh.

Gần một năm sau SEA Games 31, các quốc gia Đông Nam Á sẽ lại tụ hội tại năm địa điểm thi đấu ở Campuchia để chuẩn bị tranh tài tại SEA Games 32, kỳ đại hội với kỷ lục về số môn và nội dung thi đấu nhiều nhất từ trước đến nay.

Khó khăn và thách thức

Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn cho biết, qua các Hội nghị Trưởng đoàn tổ chức tại Campuchia cho thấy nước chủ nhà đang chuẩn bị rất kỹ càng, chu đáo cho SEA Games 32. Tại Đại hội, dự kiến Campuchia sẽ tổ chức 36 môn thể thao với 583 nội dung thi đấu. Với số lượng môn thi đấu và nội dung nhiều, dựa trên tình hình thực tế, cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên, tài chính, công tác chuẩn bị... Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tham dự 31 môn thi đấu và 452 nội dung. Mục tiêu của đoàn là phấn đấu có mặt ở tốp ba trên bảng xếp hạng chung cuộc.

Để chuẩn bị cho SEA Games 32 và những nhiệm vụ liên thông là ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) tháng 9 và vòng loại Olympic Paris 2024, các đội tuyển quốc gia đã được tập trung tại năm địa điểm là: Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội với 800 vận động viên (VĐV), 160 huấn luyện viên (HLV), 12 chuyên gia; Trung tâm HLTTQG Thành phố Hồ Chí Minh 586 VĐV, 121 HLV, hai chuyên gia; Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng có 258 VĐV, 58 HLV, hai chuyên gia; Trung tâm HLTTQG Cần Thơ có 33 VĐV, chín HLV, một chuyên gia và Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh có 47 VĐV, 10 HLV.

Tại SEA Games 32, dự kiến Campuchia sẽ tổ chức 36 môn thể thao với 583 nội dung thi đấu. Với số lượng môn thi đấu và nội dung nhiều, dựa trên tình hình thực tế, cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên, tài chính, công tác chuẩn bị... Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tham dự 31 môn thi đấu và 452 nội dung. Mục tiêu của đoàn là phấn đấu có mặt ở tốp ba trên bảng xếp hạng chung cuộc.

Tại SEA Games 32, nước chủ nhà không tổ chức một số môn thể thao Olympic như bắn súng, bắn cung, đua thuyền, cờ vua, thể dục dụng cụ, wushu, futsal, thể hình, kurash... Đây là những môn thể thao Olympic cơ bản và cũng là những môn trọng điểm, thế mạnh của Việt Nam. Chưa kể các môn ASIAD và các môn thuộc nhóm ba theo điều luật của Hội đồng thể thao khu vực. Bên cạnh đó, nhiều nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam tuy không bị loại, nhưng lại bị khống chế số lượng VĐV tham gia thi đấu.

Thể thao Việt Nam cũng có những lợi thế tại kỳ SEA Games này. Đó là sự quan tâm ngày càng lớn của Chính phủ, các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là sau thành công của SEA Games 31. Hiện việc tập luyện của các VĐV đang được kế thừa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của SEA Games 31, cho nên các điều kiện tốt hơn trước. Để chuẩn bị chu đáo nhất cho SEA Games 32, Tổng cục TDTT đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ngay sau khi kết thúc SEA Games 31, thông qua việc xác định các môn, nội dung có khả năng giành huy chương, các bộ phận chuyên môn đã tiến hành tuyển chọn VĐV, tìm các HLV giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; thành lập Hội đồng tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn.

Các VĐV trọng điểm của các môn thể thao quan trọng được đầu tư tập luyện bình thường. Đối với các môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi lội, bắn súng, thể dục dụng cụ, các môn võ đối kháng là những môn chúng ta xác định có thể tấn công vào những đấu trường cao hơn SEA Games, cho nên đã chuẩn bị cho các VĐV suốt cả năm qua.

Các thành viên Đội tuyển Điền kinh tập luyện hướng tới Sea Games 32. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Theo Phó Tổng cục trưởng TDTT Trần Đức Phấn, khó khăn lớn nhất là công tác mua sắm trang thiết bị, dụng cụ cho VĐV bởi vì biên độ tài chính là theo năm sẽ rất khó có thể mua bổ sung ngay nếu không có dự trù từ trước. Quá trình tập luyện thi đấu sinh ra hỏng hóc, không dễ có thể khắc phục được, nhưng nhiều khi hỏng hàng loạt thì không thể dự tính được bởi kinh phí mua mới không hề rẻ.

Qua quá trình khảo sát cả bốn Trung tâm HLTTQG vừa qua, cũng như làm việc với từng đội tuyển đang tập trung huấn luyện, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc phải chuẩn bị tốt nhất cho các VĐV tham gia thi đấu, trong trường hợp chưa thể đấu thầu, mua bán thì phải đề xuất ngay giải pháp để xử lý. Về cơ bản các trang thiết bị dụng cụ tập luyện, thi đấu chúng ta đã chuẩn bị đủ để các VĐV sử dụng, trong điều kiện cụ thể nếu không đủ, Tổng cục TDTT sẽ tiến hành mượn hoặc thuê.

Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Vấn đề thiếu các y sĩ, bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu để hỗ trợ cho các đội tuyển cũng rất nan giải. Từ trước đến nay mỗi kỳ đại hội diễn ra ngành TDTT sẽ thành lập tiểu ban y tế chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến công tác y tế của các đội tuyển. Có những cán bộ y tế chỉ tham gia nội dung hồi phục cho các VĐV các môn thể thao liên quan đến sức mạnh như cử tạ, điền kinh, võ đối kháng cần phải xoa bóp, bấm huyệt hồi phục.

Đội ngũ này tại các Trung tâm HLTTQG hiện rất hạn chế, không đủ để bao quát phục vụ hết các đội tuyển. Công việc chính của họ ở Trung tâm là xử lý các vấn đề cụ thể. Trong thiết chế của chúng ta có hạn chế lớn là chưa đưa được đội ngũ y tế, bác sĩ vào trong thành phần các đội tuyển, cho nên phải linh hoạt sử dụng các giải pháp để lồng ghép làm sao các bác sĩ hằng ngày vẫn hỗ trợ cho các đội tuyển mà họ không bị thiệt thòi về mặt quyền lợi. Ngành TDTT đang nghiên cứu triển khai để đội ngũ y bác sĩ là thành viên, biên chế chính thức trong tất cả các đội tuyển thể thao như với đội tuyển bóng đá và futsal nam, nữ.

Trong những năm vừa qua, công tác y tế ở các đội tuyển đang làm khá tốt, năm nay đang gặp hạn chế về quy định mới. Tổng cục TDTT đã trao đổi và nhờ hỗ trợ thêm từ Bệnh viện Thể thao, Trung tâm Doping và Y học thể thao. Việc các cán bộ vừa phải làm công tác của đơn vị, vừa triển khai công tác hỗ trợ các đội tuyển mà họ không có chế độ gì hỗ trợ thật sự sẽ rất khó có thể toàn tâm toàn ý vào công việc. Đây là vấn đề cần phải tìm cách để giải quyết thật sớm và thật sự thấu đáo.

Hết mình vì màu cờ sắc áo

Để chuẩn bị cho SEA Games 32 và những nhiệm vụ liên thông, việc tập huấn nước ngoài, các bộ môn và đội tuyển cũng được Tổng cục TDTT xây dựng kế hoạch, trong đó lựa chọn các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và bảo đảm tốt mọi điều kiện cho các đội tuyển tập luyện nâng cao thành tích. Ngành TDTT cũng lựa chọn và thuê các chuyên gia có trình độ cao cho một số môn, nội dung có khả năng giành huy chương, nhất là ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao thành tích cho VĐV.

“Tổng cục TDTT cũng yêu cầu các Trung tâm HLTTQG tạo môi trường tốt nhất trong tập luyện và sinh hoạt, tạo bầu không khí thi đua hứng khởi để các VĐV tập luyện chuẩn bị cho Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực. Khó khăn của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng là khó khăn chung của các quốc gia tham dự vì vậy chúng tôi xác định sẽ nỗ lực vượt qua chính mình, phấn đấu đạt thành tích cao nhất, các VĐV cũng phải đặt mục tiêu cao nhất là cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Từ đó đóng góp vào thành công của SEA Games 32 với mục tiêu là hướng tới sự hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực ASEAN”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32 còn rất ít, trong khi đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho ASIAD 19, vòng loại Olympic 2024. Vì vậy, những người có trách nhiệm của Tổng cục TDTT sẽ phải tính toán lực lượng sao cho có thể vừa làm nhiệm vụ tại vòng loại Olympic 2024, vừa thi đấu tốt ở SEA Games 32.

Chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32, lãnh đạo TDTT cho biết, một trong những khó khăn mà chúng ta cần phải tính đến là thời tiết ở Campuchia rất nóng và gió. Hiện nay, lãnh đạo Tổng cục đang tìm giải pháp để khắc phục, thí dụ đưa VĐV đến nơi có thời tiết, khí hậu tương đồng với Phnom Penh để làm quen với thời tiết và khí hậu.

Chúng tôi đã tính đến việc đưa một số môn bị ảnh hưởng kết quả thi đấu bởi thời tiết như điền kinh, bơi sẽ sang nước bạn sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để làm quen với thời tiết, điều kiện sân bãi như một hình thức tập huấn rồi ở lại thi đấu luôn. Các môn thi đấu trong nhà thì không gặp trở ngại gì lớn lắm.

Thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32 còn rất ít, trong khi đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho ASIAD 19, vòng loại Olympic 2024. Vì vậy, những người có trách nhiệm của Tổng cục TDTT sẽ phải tính toán lực lượng sao cho có thể vừa làm nhiệm vụ tại vòng loại Olympic 2024, vừa thi đấu tốt ở SEA Games 32. Muốn vậy, ban huấn luyện các đội phải điều chỉnh điểm rơi phong độ của các VĐV sao cho có thể hoàn thành được cả hai nhiệm vụ. Đây cũng là việc không dễ trong công tác huấn luyện. Từ ngày 15/2, Tổng cục TDTT đã tăng chế độ dinh dưỡng cho các VĐV lên 480.000 đồng/người/ngày. Hiện một số chuyên gia đang xây dựng kế hoạch tập huấn ngắn ngày như đội tuyển judo tập huấn tại Mông Cổ khoảng 20 ngày, đội taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc khoảng một tháng.

SEA Games là đấu trường phù hợp với thể thao Việt Nam, chúng ta vẫn có khả năng đạt thành tích để có vị trí cao trên bảng xếp hạng chung cuộc. Để hòa nhập chung với đấu trường khu vực cũng như ủng hộ nước chủ nhà Campuchia chúng ta cũng đăng ký tham gia một số môn truyền thống của họ như: cờ ouk chatrang, kun bokator, kun Khmer. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu đặt ra tại Đại hội với việc có mặt trong tốp ba và giành khoảng 100 Huy chương vàng như mục tiêu đề ra.

Theo THU TRANG (Nhân Dân)