Thế vận hội dành cho người khuyết tật còn gọi là Thế vận hội Paralympic (tiếng Anh: Paralympic Games) là một sự kiện thể thao quốc tế quan trọng.
Thế vận hội Paralympic là nơi các vận động viên khuyết tật thể chất thi đấu cạnh tranh, bao gồm các vận động viên thiểu năng, khuyết chi, mù lòa, và bại não. Hai sự kiện Thế vận hội Paralympic Mùa hè và Mùa đông được tổ chức theo Thế vận hội Olympic tương ứng. Tất cả các cuộc thi trong Thế vận hội Paralympic đều do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) quy định.
Thế vận hội Paralympic khởi nguồn một tập hợp nhỏ những cựu chiến binh người Anh trong chiến tranh thế giới thứ II vào năm 1948 và ngày nay đã trở thành một trong những sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất của thế kỷ 21. Những người tham gia Thế vận hội Paralympic đấu tranh cho sự đối xử bình đẳng như những vận động viên bình thường tại Thế vận hội Olympic, nhưng vẫn có một khoảng cách lớn về khoản tài trợ dành cho các vận động viên Olympic và Paralympic. Ngoài ra còn có những môn thể thao như các môn liên quan đến chạy, nhảy và ném có thể ngăn vận động viên Paralympic cạnh tranh bình đẳng với vận động viên bình thường, mặc dù đã có những vận động viên Paralympic từng tham dự Thế vận hội Olympic.
Thế vận hội Paralympic dành cho các vận động viên khuyết tật thể chất và được tổ chức song song với Thế vận hội Olympic. Hội đồng Olympic Quốc tế (IOC) công nhận sự kiện Thế vận hội Olympic Đặc biệt (Special Olympics World Games) dành cho các vận động viên khuyết tật trí tuệ và Thế vận hội Deaflympic dành cho các vận động viên khiếm thính.
Lý giải chính thức hiện nay đối với tên gọi "Paralympic" là nó có nguồn gốc từ giới từ tiếng Hy Lạp παρά (phiên âm Latin: pará, nghĩa là bên cạnh, kề bên) và do đó đề cập đến một cuộc thi được tổ chức song song với Thế vận hội Olympic.
Lần đầu tiên thuật ngữ "Paralympic" được đưa vào sử dụng chính thức là tại Paralympic Mùa hè 1988 tổ chức ở Seoul.
Paralympic PyeongChang 2018
Ủy ban tổ chức Paralympic PyeongChang 2018 cho biết tính đến ngày 24/2, có 570 vận động viên từ 49 quốc gia trên thế giới đã đăng ký thi đấu tại kỳ thế vận hội dự kiến diễn ra từ 9-18/3 tới, cao hơn hẳn so với mức 547 vận động viên từ 45 quốc gia tại Paralympic Sochi 2014.
Trong đó, đoàn Mỹ có số lượng đăng ký đông nhất với 68 vận động viên, tiếp sau là Canada với 52 vận động viên và Nhật Bản với 38 vận động viên. Trong khi đó, Nga cũng đã đăng ký 38 vận động viên tham gia thi đấu trong 4 bộ môn.
Tuy nhiên, đoàn Paralympic của Nga sẽ thi đấu dưới màu cờ trung lập vì bê bối doping của thể thao Nga. Đặc biệt, đây là kỳ Paralympic đầu tiên mà đoàn Hàn Quốc có tới 36 vận động viên tham dự, tham gia tranh tài ở tất cả 6 bộ môn thi đấu.
Với lời mời đặc biệt từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đoàn Triều Tiên cũng sẽ cử 2 vận động viên tham gia thi đấu ở nội dung trượt tuyết đồng đội cùng đội tuyển với các vận động viên Hàn Quốc.
Đây cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên các đoàn vận động viên của Triều Tiên, Gruzia và Tajikistan tham gia. Paralympic PyeongChang 2018 được dự đoán là kỳ thế vận hội có nhiều huy chương vàng nhất trong lịch sử với 80 huy chương vàng sẽ được trao, nhiều hơn 8 huy chương so với kỳ thế vận hội trước đó tại Sochi năm 2014.
Lễ khai mạc và bế mạc Paralympic PyeongChang 2018 đều diễn ra tại sân vận động Olympic PyeongChang, nơi đã diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang 2018. PyeongChang cũng là nơi diễn ra tất cả các bộ môn thi đấu trên tuyết trong khi các bộ môn trượt tuyết núi cao sẽ diễn ra tại Jeongseon, cách thủ đô Seoul 215km về phía Đông và các bộ môn thi đấu trên băng sẽ diễn ra tại thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon.
Theo Infonet