Bên trong phòng bệnh ICU, bệnh nhân thở bằng máy thở của Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 6-10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 cập nhật lần thứ 7, thay thế phiên bản vừa ban hành hồi tháng Bảy vừa qua.
So với hướng dẫn cũ, trong hướng dẫn lần này, Bộ Y tế bổ sung thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, thuốc ức chế IL-6 nếu đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới.
Trong hướng dẫn mới, 3 thuốc kháng virus được đưa vào hướng dẫn gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Monulpiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ với lưu ý liều dùng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Cùng đó, Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn điều trị dự phòng sớm bằng corticoid, chống đông máu.
Tiêu chuẩn ra viện cũng đã điều chỉnh giảm số lần xét nghiệm RT-PCR xuống còn 1 lần (thay vì tối thiểu 2 lần như trước) và bệnh nhân không xét nghiệm sau khi ra viện trong thời gian theo dõi tại nhà.
Người mắc COVID-19 ra viện khi về nhà chỉ thực hiện theo dõi tại nhà, chỉ yêu cầu cách ly y tế với những trường hợp có xét nghiệm dương tính kéo dài và phải cách ly tại cơ sở y tế 21 ngày trở lên.
Bộ Y tế cũng bổ sung một số phụ lục hướng dẫn chuyên môn liên quan đến dinh dưỡng, phục hồi chức năng, rối loạn tâm lý, thông khí nhân tạo, kháng sinh…
Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế nêu rõ SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (qua giọt bắn là chủ yếu) và qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm.
SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị.
Người bệnh COVID-19 có thể phát tán virus từ 2 ngày trước khi có triệu chứng đầu tiên và phát tán mạnh nhất trong 3 ngày đầu từ khi biểu hiện các triệu chứng. Thời gian phát tán virus gây lây nhiễm khoảng 8 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, nhưng có thể dài hơn ở những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch.
Tuy vậy, những người bệnh không triệu chứng vẫn có thể phát tán virus gây lây nhiễm.
Trong hướng dẫn mới, các triệu chứng lâm sàng được bổ sung, cập nhật đặc điểm của biến thể Delta. Theo đó, trong giai đoạn khởi phát, thời gian ủ bệnh của người nhiễm từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Với biến thể Alpha, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng...
Với biến thể mới (Delta), bệnh nhân đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.
Diễn biến bệnh cũng được phân loại theo hai biến thể chủ yếu hiện nay gồm: với thể Alpha 80% có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng, diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU).
Đối với thể Delta, tỷ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4,2% Alpha), tỷ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra biến thể Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Chủng này cũng có tải lượng virus cao hơn, khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.
Trong đợt dịch thứ 4, tính tới hết ngày 5-10, Việt Nam ghi nhận 813.735 ca mắc, trong đó có 741.874 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh (chiếm hơn 91%). Đợt dịch này cũng ghi nhận hơn 19.900 bệnh nhân COVID-19 tử vong, chiếm 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)