Sự kỳ diệu được tạo ra bởi ê-kíp nhiều chuyên khoa, từ nội, ngoại đến thăm dò chức năng, trong đó “góp công” lớn là các thầy thuốc thuộc Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương).
Sau thời gian dài chịu đựng với những cơn động kinh, hai bé (D.T.M.Đ 6 tuổi và bé T.N.M 5 tuổi) đã có lại được cuộc sống bình thường.
TS Cao Hữu Hùng, Giám đốc Trung tâm Thần kinh và TS Lê Nam Thắng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) hồ hởi thông báo: Các cháu khỏe rồi, cười nói vui vẻ, yêu lắm, đùa vui chạy nhảy, hòa nhập cuộc sống rất tốt.
TS Lê Nam Thắng, người trực tiếp thực hiện hai ca đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh để phẫu thuật chia sẻ, đây là hai ca bệnh rất phức tạp, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm và sự hỗ trợ của bảy chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, ca mổ đã đạt kết quả tốt. Bệnh động kinh để lại hậu quả rất nặng nề cho đứa trẻ và gia đình. Trẻ bị động kinh gần như không có cơ hội hòa nhập với xã hội. Mỗi khi chứng kiến trẻ lên cơn co giật là chúng tôi rất đau lòng, vì thế chúng tôi luôn đau đáu tìm tòi, học hỏi thế giới để có được những giải pháp, kỹ thuật điều trị. Do vậy, khi ca mổ thành công, không chỉ những người thân, mà cả các thầy thuốc cũng rất vui mừng.
Cho đến thời điểm hiện tại, các con được kiểm tra não đồ, đã không thấy xuất hiện cơn co giật. Bé T.N.M (5 tuổi), mắc thể động kinh phức tạp, bắt đầu có những cơn động kinh, co giật từ lúc 21 tháng tuổi, ban đầu gia đình nghĩ con bị co giật do sốt bình thường nên đưa con lên bệnh viện tỉnh can thiệp, hết cơn thì về nhà. Bảy tháng sau, tình trạng này lặp lại tương tự nhưng bác sĩ chưa tìm ra sóng động kinh. Đáng chú ý, gia đình đã đưa đi khám, điều trị tại nhiều nơi mà không đạt kết quả, tần suất cơn co giật vẫn tăng, có ngày 30, 40 cơn; các thuốc điều trị không còn tác dụng, cháu thường xuyên phải sử dụng thuốc ngủ liều cao... Khi đến Trung tâm Thần kinh, T.N.M được xác định là mắc động kinh kháng trị, các bác sĩ đánh giá trẻ có vùng động kinh trên phim cộng hưởng từ rất phức tạp, gần với các vùng vận động và các dây trung tâm. Phương pháp cuối cùng trong điều trị là phải phẫu thuật.
Bác sĩ, TS Lê Nam Thắng cho biết, trước phẫu thuật 36 đến 48 giờ, các bác sĩ đặt điện cực để theo dõi và “khoanh vùng” khu vực bị tổn thương. Thật mừng, sau hơn 4 giờ thực hiện, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama (Hoa Kỳ), vùng tổn thương gây ra các cơn động kinh cho bé đã được loại bỏ hoàn toàn. Qua theo dõi, gần năm tháng sau ca phẫu thuật, T.N.M đã không còn những cơn co giật.
Trường hợp thứ 2 là bé D.T.M.Đ (6 tuổi) có biểu hiện động kinh từ lúc 17 tháng tuổi; có chẩn đoán bị xơ hóa ở cả hai bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương. Trước đó, bé đã được phẫu thuật, nhưng cũng chỉ ổn định một thời gian ngắn, sau đó tái phát cơn co giật và số lượt tăng nhiều hơn. Đợt phẫu thuật này, phải mở rộng vùng phẫu thuật hơn để khống chế cơn co giật. Nhưng điều đó đồng nghĩa với mức độ biến chứng tăng lên; vùng chức năng dễ bị ảnh hưởng cũng mở rộng. Do vậy, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh cùng các chuyên gia Hoa Kỳ đã phải tiến hành hai bước: Mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó đặt điện cực, bao gồm cả điện cực bề mặt và điện cực sâu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị. Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ cắt ổ động kinh cho trẻ mà không gây ảnh hưởng đến chức năng và vận động. TS Lê Nam Thắng khẳng định, với việc phẫu thuật đạt thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.
Mẹ bé T.N.M, mắt ngân ngấn lệ, nở nụ cười, chia sẻ: Nhiều lần đang đêm phải đưa con đi cấp cứu, trên đường đi tôi chỉ lo sợ mất con. Nghe các bác sĩ thông báo con được điều trị bằng phương pháp hiện đại, lần đầu thực hiện tại Việt Nam, gia đình mừng lắm. Giờ nhìn con khỏe mạnh, chúng tôi hạnh phúc vô cùng. “Con thật may mắn khi gặp các bác sĩ, được các bác trao cho một cuộc đời thứ hai tươi sáng hơn. Chắc chắn Tết năm nay sẽ là một cái Tết vui nhất, hạnh phúc và đáng nhớ nhất với gia đình chúng tôi.
Áp dụng phương pháp đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh giúp phẫu thuật thành công cho hai cháu bệnh nhi bị động kinh không chỉ đưa Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai thành công kỹ thuật này, mà đây thật sự là một bước tiến mới của y học Việt Nam. TS Lê Nam Thắng cho biết, sau phẫu thuật, các bé sẽ tiếp tục được theo dõi, đánh giá, quá trình này kéo dài đến 18 tuổi