Thêm nguồn lực cho chương trình dạy tiếng dân tộc

10/07/2023 - 06:46

 - Mặc dù có những chính sách hỗ trợ phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer và Chăm trên địa bàn tỉnh, nhưng nhìn chung, vẫn còn manh mún, ít ỏi. Bên cạnh yêu cầu về bộ sách dạy tiếng Khmer, tiếng Chăm được chuẩn hóa, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nhà sư, giáo cả, giáo viên… cùng trang thiết bị ở các chùa Khmer, thánh đường Hồi giáo để việc giảng dạy thuận tiện hơn.

Thiếu nguồn lực hỗ trợ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm qua, cùng với chế độ, chính sách chung, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ học sinh DTTS trong việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tặng quà, tập, sách, xe đạp… nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Đồng thời, duy trì việc dạy tiếng DTTS đối với vùng có nhiều học sinh DTTS (Chăm, Khmer), góp phần giảm tình trạng bỏ học đối với con em vùng DTTS, duy trì tiếng mẹ đẻ…

Tuy nhiên, nếu tính riêng việc dạy học tiếng DTTS trong trường phổ thông theo Nghị định 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ, kết quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Đối với việc dạy tiếng Khmer, trên địa bàn An Giang có 19 trường thực hiện, với 172 lớp, 4.254 học sinh, nhưng chỉ có 20 giáo viên đứng lớp.

Trong đó, huyện Tri Tôn có 7 trường tiểu học dạy tiếng Khmer, với 58 lớp, 1.108 học sinh, chỉ có 7 giáo viên; Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) THCS Tri Tôn có 16 lớp, 528 học sinh, chỉ có 2 giáo viên dạy tiếng Khmer. Ở TX. Tịnh Biên, có 9 trường tiểu học dạy tiếng Khmer, với 79 lớp, 2.050 học sinh, mà chỉ có 6 giáo viên; Trường Phổ thông DTNT THCS Tịnh Biên có 12 lớp, 344 học sinh, với 4 giáo viên dạy tiếng Khmer. Trong khi đó, Trường Phổ thông DTNT THPT An Giang có 7 lớp, 224 học sinh, chỉ duy nhất 1 giáo viên dạy tiếng Khmer.

Đối với việc dạy tiếng Chăm còn khiêm tốn hơn. Toàn tỉnh chỉ có 2 trường dạy tiếng Chăm theo Nghị định 82/2010/NĐ-CP, với 5 lớp, 101 học sinh, mà chỉ có 3 giáo viên. Trong đó, Trường Tiểu học "A" Khánh Hòa (huyện Châu Phú) tổ chức được 2 lớp, 35 học sinh và 2 giáo viên; Trường Tiểu học “D” Châu Phong (TX. Tân Châu) có 3 lớp, 66 học sinh, duy nhất có 1 giáo viên dạy tiếng Chăm.

Phát triển trong cộng đồng

Đặc thù của đồng bào DTTS Khmer là các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, đời sống hàng ngày gắn với chùa Nam tông Khmer, còn đồng bào DTTS Chăm thì gắn với các thánh đường Hồi giáo. Đây là những địa điểm phù hợp để triển khai dạy tiếng Khmer, chăm cho con em trong vùng DTTS. Khi mà việc dạy tại các trường học chưa đáp ứng được nhu cầu, chính các nhà sư, giáo cả, người có kiến thức trong vùng lại trở thành người thầy đứng lớp.

Mùa hè năm nay, chùa Pra Thiêt (xã Ô Lâm) và chùa TRo-Peang-Trao (xã An Tức, huyện Tri Tôn) tiếp nhận hơn 300 em học sinh đến học chữ Khmer. Đây là hoạt động được duy trì đều đặn, theo hình thức xã hội hóa và tự nguyện là chính. Các học sinh Khmer được phân chia theo các lớp từ vỡ lòng đến lớp 5, thời gian học từ 2,5 - 3 tháng; có tổng kết, phát thưởng cho những em học tốt.

Sư cả Chau Biêu (chùa TRo-Peang-Trao) cho biết, ngoài tập trung vào dịp hè, chùa còn tổ chức học tiếng Khmer vào buổi tối (từ 18 - 19 giờ hàng ngày), tạo điều kiện cho trẻ em, bà con trong vùng đến học.

 “Việc tổ chức dạy và học chữ Khmer được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để người dân được học tiếng nói, chữ viết Khmer, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nguồn lực hạn chế, các lớp thường thiếu bàn ghế, thiếu bảng con, sách vở cho học sinh, sư đứng lớp giảng dạy cũng chưa có kinh phí hỗ trợ, thiếu tiền khen thưởng cuối khóa... Nếu được hỗ trợ thêm thì việc giảng dạy chữ Khmer sẽ tốt hơn” - sư cả Chau Biêu thông tin.

Đây cũng là khó khăn chung của các chùa Nam tông đang dạy chữ Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên; các thánh đường tổ chức dạy tiếng Chăm trên địa bàn huyện An Phú và TX. Tân Châu.

Cần chuẩn hóa chương trình 

Cái khó trong việc giảng dạy tiếng DTTS hiện nay ở An Giang không chỉ là thiếu cơ sở vật chất, mà thiếu sách, giáo trình thống nhất, ngay cả giáo viên dạy tiếng Khmer ở một số trường cũng chưa đạt chuẩn đào tạo, phần lớn chỉ tham dự các lớp chuyên đề, bồi dưỡng ngắn hạn. Riêng tiếng Chăm, do không có nguồn giáo viên nên phải “thỉnh giảng” các “tri thức địa phương”.

Theo ông Lê Văn Phước, đối với cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy các lớp dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% (theo hệ số lương và phụ cấp chức vụ), phụ cấp trách nhiệm 0,3 (theo lương cơ bản) và các chế độ, chính sách. Đối với học sinh các trường phổ thông DTNT, được trợ cấp học bổng, học phẩm, hiện vật; học sinh học tiếng DTTS được đảm bảo sách giáo khoa và các chế độ theo quy định.

Tuy nhiên, số giáo viên và học sinh được thụ hưởng chính sách vẫn còn khiêm tốn so nhu cầu thực tế, bởi việc dạy tiếng DTTS ngoài trường học phong phú hơn nhiều. Các chùa Khmer, thánh đường Hồi giáo vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, vừa là điểm giao lưu, bồi dưỡng ngôn ngữ Khmer, Chăm khá hấp dẫn, thu hút đông con em DTTS đến học tập. Tuy nhiên, lại chưa tham mưu được chế độ, chính sách cho thầy, trò ở những nơi này.

“Cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nhà sư, giáo cả, giáo viên, cũng như trang bị sách, thiết bị ở các cơ sở chùa, thánh đường có dạy tiếng DTTS; chính sách chuẩn hóa giáo viên dạy tiếng DTTS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước kiến nghị.

An Giang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành bộ sách dạy tiếng Khmer, Chăm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng nhu cầu học cho con em đồng bào DTTS. Nội dung tài liệu dạy học cần chú trọng đến vốn văn học dân gian, văn học viết của DTTS Khmer và Chăm; việc xây dựng nội dung học liệu cần có hướng mở để các địa phương vận dụng linh hoạt trong tổ chức giảng dạy tiếng DTTS.

HOÀNG XUÂN