Thêm sức hút cho tiết học nghề

11/07/2018 - 07:21

 - Nhắc đến việc học thì dù bộ môn nào cũng cần tính hấp dẫn, thiết thực để thầy và trò đều đạt được hiệu quả. Đặc biệt, trong những lớp dạy nghề thường được xem là lựa chọn miễn cưỡng hoặc cuối cùng của học viên khi không thể tiếp tục học cao hơn. Tâm lý của học sinh, sinh viên đối với học nghề còn thiên lệch, trong khi kỹ năng giáo viên chưa đáp ứng đồng đều chất lượng dạy. Đó là lý do ảnh hưởng trực tiếp đến tuyển sinh và đào tạo nghề của tỉnh trong thời gian qua chưa đạt kết quả như mong đợi.

Các nhà giáo đạt thành tích cao tại hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ I.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018 được xem là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề. Do đó, sở đã phối hợp Trường Cao đẳng nghề An Giang tổ chức hội giảng nhà giáo GDNN lần I. Kỳ vọng Ban Tổ chức (BTC) đặt ra là tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và so tài giữa các giáo viên để tìm ra những phương pháp hay, sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần thu hút học sinh, sinh viên tham gia học nghề. Từ hội giảng này, những cá nhân đạt thành tích cao tiếp tục dự thi hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Sơn (Trưởng BTC hội giảng) cho biết, lần đầu khởi động, hội giảng có sự tham gia của 15 nhà giáo đến từ 6 trường cao đẳng nghề, trung cấp y tế trong tỉnh dự thi 11 ngành nghề. Ban Giám khảo là những giảng viên uy tín, kinh nghiệm thuộc Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Các nhà giáo đã chuẩn bị khá tốt phần thi với bài giảng được đầu tư, phong cách thể hiện bình tĩnh, tự tin. Bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống, các trường sẽ tiếp cận theo hướng hiện đại để thực hiện thành công chiến lược phát triển nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Thầy Trương Quốc Bình (Trường Trung cấp nghề - Kinh tế kỹ thuật An Giang) - người đạt giải nhất tại hội giảng nhà giáo GDNN chia sẻ, đây là sân chơi thiết thực để giáo viên có cơ hội nâng cao tay nghề, đồng thời đáp ứng nhu cầu giáo dục cho học sinh tại các trường nghề hiện nay.

Bài giảng “Kỹ thuật phi-lê cá tra, cá ba sa” của thầy Bình được đánh giá là phần thi xuất sắc vì có sự đầu tư trong biên soạn, dạy theo phương pháp tích hợp. Không áp dụng riêng trong hội giảng, thầy cho biết trong các buổi giảng dạy ở trường vẫn thường xuyên áp dụng phương pháp này để người học luôn thấy hứng thú, tiếp cận nội dung học chủ động hơn.

“Giáo viên dạy nghề cũng như giáo viên dạy các môn khác, muốn đạt hiệu quả thì ngoài năng lực, trau dồi tay nghề cao, đòi hỏi phải có thêm cái tâm thì quá trình giảng dạy mới có sự đầu tư xứng đáng”. Cùng quan điểm với thầy Bình, hầu hết nhà giáo tham gia hội giảng đều nhận xét, đây là hoạt động dành cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện ở giờ giảng chất lượng hơn.

Đặc biệt, làm sao để truyền đạt kiến thức, cảm hứng của học sinh, sinh viên tham gia học nghề là xu thế buộc các thầy, cô phải đổi mới. Những hạn chế như: số lượng đăng ký còn ít, một số nhà giáo lúng túng trong bài giảng, trình bày giáo án chưa khoa học, bố trí thời gian chưa hợp lý… cũng là một phần thực trạng trong giảng dạy thực tế ở các trường nghề hiện nay.

Tại đơn vị, do nhiều điều kiện chủ quan và khách quan, các tiết học nghề còn thiên về lý thuyết hoặc thực hành. Đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt hài hòa kiến thức và kỹ năng giao tiếp với nhiều đối tượng học khác nhau. Một bộ phận giáo viên dạy nghề hiện nay còn hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng tin học và các phương pháp sư phạm hiện đại. Sau hội giảng, các giáo án sẽ được hoàn chỉnh lần nữa theo góp ý từ Ban Giám khảo để đưa vào giảng dạy chính thức thêm chất lượng.

MỸ HẠNH