Theo dấu chân tình nguyện

31/07/2018 - 08:26

 - Giá trị “Mùa hè tình nguyện” không chỉ nằm ở các công trình, phần việc nhìn thấy mà còn là giá trị nhân văn, giá trị của tinh thần xung kích đi đầu, không ngại khó, ngại khổ của tuổi trẻ. Quan trọng hơn, chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” còn là môi trường thực tế để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), sinh viên (SV) rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Màu xanh trên đất Ô Lâm

Ô Lâm là xã nghèo của huyện Tri Tôn, nơi có đến 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống. Dựa vào lợi thế đất vùng cao, nơi đây từng có làng nghề đường thốt nốt truyền thống ở ấp Phước Lộc. Sản phẩm làng nghề từng vươn xa, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con DTTS Khmer. Tuy nhiên, qua thời gian, làng nghề dần mai một, nguyên nhân chính do người dân thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, đổi mới khâu sản xuất, thiếu kênh quảng bá, kết nối sản phẩm. Được nguồn kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng khôi phục làng nghề truyền thống ấp Phước Lộc, các SV tình nguyện cùng với lực lượng ĐVTN xã Ô Lâm đã tích cực ra quân đổ đá làm tuyến đường kết nối vào làng nghề, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, xây dựng kênh giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội… “Sự nhiệt tình của các cháu SV tình nguyện như tiếp thêm động lực để chúng tôi quay lại với nghề truyền thống bao đời. Nhờ sử dụng kênh bán hàng hiện đại nên bà con không phải vất vả tự gánh đường thốt nốt xuống chợ bán như trước, mà có người đến thu gom tại chỗ theo đơn hàng” - bà Néang Nhum, người dân ấp Phước Lộc phấn khởi.

Sinh viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới

Anh Lâm Thành Sĩ, Bí thư Tỉnh đoàn - Chỉ huy trưởng chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” tỉnh An Giang cho biết, năm nay, Ban Chỉ huy chiến dịch đã chọn xã Ô Lâm là nơi tổ chức lễ ra quân đợt cao điểm của chiến dịch. Qua đó, hàng loạt công trình, phần việc ý nghĩa đã được ưu tiên thực hiện tại địa phương còn khó khăn này. Bằng sự chung tay, góp sức của các SV tình nguyện cùng ĐVTN và người dân địa phương, một khu vui chơi thiếu nhi trị giá 50 triệu đồng đã được lắp đặt ngay trung tâm xã Ô Lâm. Kề bên đó là một thala Phăng Xây chỉnh trang thành điểm dừng chân, nơi quảng bá du lịch Tri Tôn (trong chiến dịch có tổ chức hội thảo giới thiệu du lịch Tri Tôn). Ngay tại lễ ra quân đợt cao điểm chiến dịch “Mùa hè tình nguyện”, ĐVTN của các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.100 người nghèo, gia đình chính sách, kết hợp tặng 200 phần quà cho bà con DTTS Khmer nghèo, với tổng trị giá 190 triệu đồng. Bằng các nguồn tài trợ, có 4.500 quyển tập, 300 áo trắng, 100 mũ bảo hiểm cho học sinh, 5 xe lăn cho trẻ em khuyết tật đã được trao tận tay cho thiếu nhi nơi đây…

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Xã Ô Lâm vốn yên bình, tĩnh lặng nhưng mùa hè năm nay, mọi thứ như sôi động hẳn lên khi có màu áo xanh tình nguyện. Các bạn SV vốn chỉ quen với chuyện học hành, con chữ nay xoắn tay cùng ĐVTN và người dân địa phương hăng hái tham gia vào các công việc nặng nhọc để xây dựng nên chiếc cầu bê-tông Kôrômăng vững chãi ở ấp Phước Lợi, với kinh phí 350 triệu đồng. Đây cũng là kinh phí các bạn dùng để bắc cầu bê-tông qua kênh sườn 8, đồng thời tận dụng cầu cũ Kôrômăng lắp đặt ở một vị trí khác của tuyến kênh này, giúp người dân ấp Phước Long đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn. Anh Lâm Thành Sĩ cho biết, để giúp xã Ô Lâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, SV tình nguyện cùng ĐVTN địa phương đã chung tay thực hiện 3 tuyến đường “4 trong 1” (trồng hoa, đèn chiếu sáng, pa-nô, cờ nước) với tổng trị giá 377 triệu đồng. Bằng nguồn vận động 300 triệu đồng, có 6 căn nhà Đại đoàn kết và 1 Mái ấm đã được trao cho bà con DTTS Khmer nghèo. Nhằm hỗ trợ nước sạch cho bà con sử dụng, 2 trạm lọc nước đã được lắp đặt (5m3/trạm) trị giá 40 triệu đồng. Tại ấp Phước Lợi, 1.000m3 cát núi đã được rải trên tuyến đường nông thôn dài 500m (kinh phí 200 triệu đồng), giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, không còn lo cảnh lầy lội mùa mưa. “Tổng cộng các công trình, phần việc thực hiện tại xã Ô Lâm nhân lễ ra quân đợt cao điểm chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” năm 2018 có tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, được vận động từ nhiều nguồn khác nhau” - anh Sĩ thông tin.

Trẻ em ở xã Ô Lâm phấn khởi với khu vui chơi thiếu nhi

Tham gia chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” năm nay, 1.100 SV tình nguyện đã về với quê hương An Giang, trong đó có 495 SV các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, 255 SV các trường đại học ngoài tỉnh, còn lại là SV trong tỉnh. Đồng hành cùng khí thế sôi nổi, hăng hái của SV tình nguyện, trên 70.000 ĐVTN ở các cơ sở Đoàn tại các địa phương và các sở, ban, ngành, ĐVTN lực lượng vũ trang đã hòa mình vào những công trình, phần việc ý nghĩa trên khắp địa bàn tỉnh. “Giá trị của hoạt động tình nguyện không chỉ thể hiện bằng con số cụ thể, mà còn là những giá trị nhân văn vô giá, không gì đo đếm được. Chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” là môi trường thuận lợi để các bạn trẻ cống hiến, trải nghiệm và trưởng thành. Tham gia “Mùa hè tình nguyện” để cảm nhận được câu nói “cho là nhận” và điều các bạn trẻ nhận lại sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì các bạn cho đi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Với chủ đề “Tuổi trẻ An Giang sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng”, chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” năm 2018 gồm 1 chương trình “Tiếp sức mùa thi” và 4 chiến dịch: “Hoa phượng đỏ” (dành cho học sinh các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên), “Kỳ nghỉ hồng” (dành cho cán bộ khối công nhân viên chức và doanh nghiệp), “Hành quân xanh” (dành cho khối lực lượng vũ trang) và “Mùa hè xanh” (dành cho ĐVTN địa phương và SV các trường đại học, cao đẳng).


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN