Thi đua từ những việc nhỏ

30/09/2022 - 05:49

 - Nhiều người nghĩ, phong trào thi đua lao động giỏi, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất… phải là những ý tưởng lớn lao, mang tính chất cải cách, tạo bước ngoặt mới. Tuy nhiên, điểm lại thành tích được ghi nhận từ những người lao động trực tiếp sản xuất mới thấy, từng ý tưởng, từng thay đổi nhỏ nảy sinh từ công việc thực tế luôn đáng được trân trọng, biểu dương. Khi có tâm huyết và được khuyến khích, ý tưởng nhỏ sẽ mang lại lợi ích lớn.

Sự tận tụy, trách nhiệm trong mỗi người lao động đã thôi thúc tinh thần cống hiến, sáng tạo từ thực tế môi trường làm việc

Đơn giản nhưng thiết thực

Đề cập về phong trào thi đua lao động trong doanh nghiệp, nhiều đơn vị đặc thù bày tỏ sự e ngại, kể cả công nhân cũng vậy. Bởi trong môi trường hiện đại, việc của công nhân là vận hành theo dây chuyền máy móc tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, ở đâu cũng có thể nảy sinh ý tưởng tốt hơn trong công việc.

Điển hình như công nhân Cao Hoàng Khang (Công ty TNHH NV Apparel), với nhiệm vụ là nhân viên đổi kim, đã thiết kế công cụ rà soát kim loại bằng nam châm thay vì tìm bằng mắt thường. Công cụ này có diện tích 30cm x 30cm, tác dụng dò tìm kim hoặc mảnh gãy kim loại để đảm bảo hàng xuất đạt yêu cầu, tránh gây ảnh hưởng đến toàn bộ các công đoạn có liên quan, như: Kiểm hàng, đóng gói, nhập kho...

“Giả sử khách hàng kiểm tra trong thùng hàng có kim loại, sẽ trả lại 1 đơn hàng (1 container, trong đó có 1.000 sản phẩm). Chi phí kiểm tra lại 1 đơn hàng cần 20 công nhân làm việc trong 15 ngày mới hoàn thành, tốn hơn 52 triệu đồng, chưa kể các chi phí vận chuyển khác” - anh Khang cho biết. Thấy được lợi ích thiết thực này, công ty đã áp dụng sáng kiến của anh Khang từ năm 2021 đến nay.

Tương tự, chị Lương Thị Nguyễn Tiền (Công ty TNHH MTV Vỹ Thịnh, huyện Phú Tân) chỉ là một công nhân may mặc, chăm chỉ làm việc bên máy móc được trang bị sẵn. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nhận thấy sự bất tiện ở đâu, chị tìm cách khắc phục cho bằng được. Chị mày mò và thực hiện hiệu quả công đoạn viền ba lô, sử dụng thêm 1 công cụ bổ trợ gá máy may, điều chỉnh sợi dây viền đi đúng hướng một cách trơn tru và đều nhau, thay cho cách gấp đôi sợi viền thủ công như thường lệ.

Theo chị Tiền, ngày trước thợ phải mất nhiều thời gian và lo lắng chất lượng sợi dây viền không đều, thì nay cứ vô tư ngồi điều khiển cho máy may hoạt động là đã hoàn thành công việc. Thay đổi nhỏ này còn giảm bớt 1 nhân công thao tác máy, tiết kiệm cho công ty 60 triệu đồng/năm.

Trân trọng những đóng góp

Tiếp xúc với những anh, chị công nhân có thành tích được ghi nhận trong quá trình lao động, hầu hết họ đều chia sẻ một cảm xúc giản dị: “Không nghĩ ý tưởng của mình được khen thưởng. Hàng ngày, chỉ biết làm đúng công việc của mình, chỗ nào không ưng bụng thì tìm cách thay đổi tốt hơn, giúp nhiệm vụ của bản thân hoàn thành nhanh hơn, tốt hơn”.

Chẳng hạn, công việc hàng ngày của anh Ngô Phước Lợi (công nhân quét rác đường phố, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị An Giang) là đảm bảo các tuyến đường, khu vực thu gom luôn sạch sẽ, không để rác tồn đọng, luôn được sự hài lòng của các hộ dân. Vài năm nay, bãi rác đã di dời từ phường Bình Đức (TP. Long Xuyên) đến xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), nên đoạn đường đi đổ rác rất xa so với trước.

 Anh Lợi đã suy nghĩ, đề xuất cải cách lại cách thu gom rác cũng như cách đổ thùng rác lên các xe rác chuyên dùng, để có thể đổ 1 lượt nhiều hơn, giảm bớt thời gian di chuyển nhiều lần về bãi rác. “Với cách làm cũ thì mỗi lần chỉ đổ được 1 thùng rác lên xe, hiện giờ mỗi lần đổ được tối đa 3 thùng rác loại 120L và 240L, tiết kiệm thời gian để anh em nghỉ ngơi nhưng vẫn đảm bảo công tác thu dọn rác sạch sẽ, hoàn thành nhiệm vụ của tổ sản xuất” - anh Lợi chia sẻ.

Tháng 6/2022, trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân cả nước, một công nhân bày tỏ rằng, những công nhân mỗi khi về quê thường nhận được đánh giá của những người xung quanh: “Tưởng làm gì chứ làm công nhân” khiến họ đôi khi thấy chạnh lòng. Nhưng đến nhà máy, cùng lao động sản xuất với đồng nghiệp, tạo ra những tấn hàng hóa xuất khẩu, họ lại thấy rất tự hào vì đã làm được một việc có ý nghĩa, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước, rồi lại yêu công việc của mình hơn.

Trước lời bộc bạch này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc yêu cầu sự chung tay, đóng góp của tất cả mọi công dân và tất các lực lượng công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, lực lượng vũ trang... Chúng ta làm việc hết trách nhiệm, vì đam mê, vì khát vọng và mong muốn được cống hiến trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt, đóng góp cho đất nước, xã hội và cho bản thân mình một cách tốt nhất thì đều cao quý”.

Trước khi muốn cống hiến, khẳng định năng lực, phải tự hào và yêu công việc của chính mình. Đó là tinh thần mà những người lao động ngày hôm nay đã và đang thể hiện. Từ phong trào thi đua lao động giỏi, năm 2022, UBND tỉnh đã quyết định tặng bằng khen cho 50 người lao động tiêu biểu ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Họ đều là lao động trực tiếp sản xuất, trong đó có 8 công nhân. Đáng chú ý, có nhiều sáng kiến là của người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng đem lại lợi ích thiết thực, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

MỸ HẠNH