Thi hành Luật Dữ liệu

20/05/2025 - 05:20

Luật Dữ liệu gồm 5 chương và 46 điều, quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; trung tâm dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật xác định rõ khái niệm dữ liệu số, bao gồm dữ liệu được tạo ra, thu thập, xử lý, lưu trữ và sử dụng bằng phương tiện điện tử; việc xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia nhằm đảm bảo việc quản lý, chia sẻ và sử dụng dữ liệu hiệu quả, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới, đảm bảo an ninh dữ liệu và quyền lợi của người dân; nguyên tắc công khai dữ liệu, hình thức công khai, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Luật quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số, đảm bảo việc thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu đúng quy định pháp luật. Việc ban hành Luật Dữ liệu là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu số, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và xã hội số tại Việt Nam.

Thực hiện Quyết định 75/QĐ-TTg, ngày 11/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Dữ liệu. Qua đó, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành luật; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa sở, ban, ngành, địa phương trong việc tiến hành hoạt động triển khai thi hành luật trên phạm vi toàn tỉnh.

Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò chủ trì của Công an tỉnh trong việc phối hợp sở, ngành, UBND địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thi hành luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm thống nhất, chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật.

Toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dữ liệu; tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến luật thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan. Sở, ban, ngành và UBND địa phương gửi kết quả rà soát về Công an tỉnh trước ngày 15/6; Công an tỉnh tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/6.

Ngoài ra, UBND tỉnh lưu ý phải bảo đảm điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ trong triển khai thi hành luật; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia cho cơ quan Nhà nước.

Đối với các nhiệm vụ triển khai trong năm 2025, sở, ban, ngành và UBND địa phương chủ động bố trí trong nguồn ngân sách Nhà nước được giao. Công an tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc sở, ban, ngành tỉnh và UBND địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện. Căn cứ nội dung kế hoạch và tình hình thực tiễn, sở, ban, ngành và UBND địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành luật trong phạm vi quản lý. Hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

K.N