Thị trường chứng khoán Việt Nam trước áp lực từ chính sách kinh tế Mỹ
13/02/2025 - 13:44
Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) bước vào năm 2025 với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế nội địa, nhưng vẫn đối diện với nhiều yếu tố bất định từ môi trường quốc tế. Đặc biệt, sự trở lại của Tổng thống Donald Trump và những thay đổi trong chính sách thương mại, tiền tệ của Mỹ có thể tạo ra những biến động đáng kể đối với thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
AA
Những kịch bản rủi ro đối với Việt Nam
Trong báo cáo chiến lược mới công bố của CTCK SHS, các nhà phân tích đánh giá, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều thông tin hỗ trợ. Theo đó, kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng GDP trung bình hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030, lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp, lạm phát được kiểm soát tốt và tiến trình nâng hạng thị trường tiếp tục được đẩy mạnh.
Ảnh chụp từ báo cáo VDSC.
Tuy nhiên, SHS vẫn lo ngại các yếu tố rủi ro vẫn tồn tại, trong đó có áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, cũng như khả năng áp đặt thuế quan từ Mỹ.
Báo cáo nhận định rằng, trong tháng 2/2025, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục tích lũy trung hạn trong biên độ hẹp 1.230 - 1.280 điểm, trước khi có những tín hiệu rõ ràng hơn từ môi trường vĩ mô quốc tế. Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến những động thái mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, bởi áp lực tỷ giá và căng thẳng thương mại có thể tác động đến tâm lý thị trường.
Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã gây ra cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu. Sự trở lại của ông vào năm 2025 đặt ra nhiều lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang trở lại, đồng thời gây tác động gián tiếp lên Việt Nam.
Cụ thể, nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ mạnh mẽ, đồng USD có thể tăng giá khi dòng vốn quay lại Mỹ. Điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam tại thị trường quốc tế, đồng thời tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ảnh chụp từ báo cáo SHS.
Trong báo cáo cập nhật mới đây của CTCK VDSC, nhóm phân tích chỉ ra ba kịch bản chính mà chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể áp dụng trong chính sách thương mại. Một là gia tăng thuế quan với Trung Quốc, kéo theo áp lực điều chỉnh chuỗi cung ứng và thúc đẩy dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Hai là siết chặt xuất khẩu công nghệ và đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Ba là gia tăng áp lực lên các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, bao gồm Việt Nam, khiến khả năng bị áp thuế cao hơn là không thể loại trừ.
Trước đó, Việt Nam đã từng đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp thuế trong giai đoạn 2019 - 2020, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump điều tra thao túng tiền tệ đối với Việt Nam. Dù chưa có quyết định cuối cùng, nhưng sự kiện này là một lời nhắc nhở rằng Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của Mỹ khi cán cân thương mại hai nước mất cân đối.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, TTCKVN đã chứng kiến dòng vốn ngoại tiếp tục rút khỏi thị trường. Theo báo cáo của SHS, trong tháng 1/2025, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 7.055 tỷ đồng, với áp lực bán mạnh nhất tập trung trên sàn HOSE, lên tới 6.468,1 tỷ đồng, tăng 182,2% so với tháng trước. Trên HNX, mức bán ròng là 86,3 tỷ đồng (-43,9% MoM), trong khi UPCOM ghi nhận mức bán ròng 186,7 tỷ đồng.
Những cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất trong tháng 1/2025 bao gồm: VIC (-2.041,4 tỷ đồng); FPT (-1.550,3 tỷ đồng); STB (-578,9 tỷ đồng); CTG (-424,0 tỷ đồng); SSI (-365,3 tỷ đồng).
Đáng chú ý, áp lực bán ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều thị trường trong khu vực. Cụ thể, Malaysia ghi nhận mức bán ròng 702 triệu USD, Thái Lan 330 triệu USD, Indonesia 229 triệu USD và Philippines 114 triệu USD. Xu hướng này phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước bất ổn từ chính sách kinh tế Mỹ.
Nhà đầu tư nên làm gì để sinh lời trong năm 2025
Với những rủi ro từ chính sách kinh tế Mỹ và xu hướng rút vốn của khối ngoại, các chuyên gia chứng khoán - tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư nên có chiến lược linh hoạt và chủ động hơn.
Các chuyên gia khuyến nghị nên mua các nhóm ngành đang hưởng lợi. Ảnh chụp từ báo cáo VDSC.
Cụ thể, ưu tiên nhóm cổ phiếu phòng thủ như ngành ngân hàng, viễn thông và công nghệ. Đây là những nhóm có thể hưởng lợi từ sự ổn định nội tại của nền kinh tế; đồng thời hạn chế cổ phiếu có rủi ro tỷ giá cao, nhất là các doanh nghiệp có vay nợ USD lớn như bất động sản. Ngoài ra, nên theo dõi động thái của khối ngoại; nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh, thị trường có thể đối diện với áp lực giảm điểm trong ngắn hạn.
Với mức định giá hiện tại, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.250 - 1.450 điểm, phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu và chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, theo phân tích của các CTCK, vào cuối tháng 1/2025, định giá P/E của VN-Index ở mức 14,83, thấp hơn trung bình 10 năm (16,6x) và trung bình 5 năm (17,1x). Với mức P/E Forward 11,9, thị trường được đánh giá là hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro gia tăng, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu kỹ lưỡng để giảm thiểu tác động từ các biến động bên ngoài.
Nhóm ngành tiềm năng theo khuyến nghị của các CTCK là ngân hàng (CTG, TCB, HDB, VCB, ACB), công nghệ (FPT). Tuy nhiên, để bảo vệ danh mục khỏi các biến động mạnh của thị trường, việc đa dạng hóa đầu tư là yếu tố quan trọng. Theo đó, nhà đầu tư nên phân bổ tài sản hợp lý giữa các nhóm ngành khác nhau như thép (HPG), viễn thông (CTR) và bất động sản khu công nghiệp (SIP, VCG)… Điều này giúp giảm thiểu tác động của biến động thị trường đối với danh mục đầu tư tổng thể.
Ảnh chụp từ báo cáo VDSC.
“Ví dụ, khi ngành ngân hàng có thể gặp khó khăn nếu lãi suất tăng, các ngành như thép hoặc bất động sản có thể hưởng lợi từ những yếu tố vĩ mô khác. Việc kết hợp các ngành này sẽ tạo sự cân bằng và giúp bảo vệ danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường không ổn định”, đại diện VDSC phân tích.
Ngoài ra, chính sách của Fed, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục có tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025. Cụ thể, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất hoặc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, điều này sẽ tác động đến tỷ giá và dòng vốn vào thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, các chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến một số ngành của Việt Nam gặp khó khăn hoặc hưởng lợi.
Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát những diễn biến về chính sách tài khóa và tiền tệ của các nền kinh tế lớn này để có những điều chỉnh phù hợp với danh mục đầu tư. Việc hiểu rõ các chính sách này sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư chính xác, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô biến động mạnh.
Một chiến lược quan trọng trong năm 2025 là chọn điểm vào hợp lý. Nếu VN-Index giảm về vùng 1.250 điểm, đây có thể là vùng hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu. TTCK Việt Nam đang có một số yếu tố hỗ trợ, nhưng nếu có những đợt điều chỉnh mạnh, đó là cơ hội tốt để mua vào với mức giá hợp lý.
Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên kiên nhẫn và không vội vã vào thị trường khi có biến động ngắn hạn. Hãy đợi các cơ hội khi thị trường điều chỉnh và tìm kiếm những cổ phiếu có giá trị bị thị trường đánh giá thấp.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: