Thiết thực với những bến đò ngang an toàn giao thông

25/06/2018 - 07:34

 - Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, ĐBSCL tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, nhất là vào mùa mưa lũ. Không chỉ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, An Giang còn xuất hiện những mô hình, cách làm hay, trong đó có mô hình “Bến đò ngang ATGT”.

Hình ảnh thanh niên khoác chiếc áo xanh tình nguyện xuống tận bến đò, trao tay hành khách những chiếc áo phao kèm lời dặn: “Phiền cô, chú, anh, chị mặc áo phao khi qua đò để đảm bảo an toàn cho mình và người thân”, với nhiều nơi còn xa lạ nhưng ở bến đò Rạch Sâu (nối liền 2 xã Hội An và Tấn Mỹ, Chợ Mới) đã quá quen thuộc. Dù trời nắng đẹp hay khi mưa gió, các bạn thanh niên vẫn âm thầm hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhằm thay đổi quan niệm và nhận thức người dân về việc mặc áo phao khi qua các bến đò ngang. Theo quan sát của chúng tôi, khách đi đò nhận áo phao không hề tỏ thái độ bức rức, phiền hà. Có người còn nhắc nhở con, cháu mình khi còn chần chừ nhận áo phao hay dụng cụ nổi. “Nhà em bên kia sông, hàng ngày em đều qua đò để đến trường. Lúc đầu, em và nhiều người đi đò rất bất ngờ, bối rối khi có người đến tuyên truyền, đưa áo phao cho mình mặc. Lâu dần thành quen, không ai cảm thấy khó chịu khi có người nhắc nhở. Em thấy đây là việc làm rất ý nghĩa, giúp em và nhiều hành khách nâng cao nhận thức bảo vệ an toàn bản thân khi qua đò” - bạn Trúc Linh (học sinh lớp 12, Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng, Chợ Mới) cho hay.

Hành khách được thanh niên tình nguyện phát áo phao

Hành khách được thanh niên tình nguyện phát áo phao

Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Nguyễn Thị Bích Liễu cho biết, huyện Chợ Mới hiện có 2 bến đò ngang văn hóa ATGT: 1 bến đò nối liền 2 xã Tấn Mỹ - Long Điền A và 1 biến đò nối liền 2 xã Hội An - Tấn Mỹ. Hình thức hoạt động của 2 bến đò là thành lập 4 đội thanh niên tự quản bến đò ngang văn hóa ATGT tại 4 xã theo quy chế hoạt động của đội. Ngoài ra, các thành viên còn được tập huấn về kỹ năng khi tiếp xúc, tuyên truyền và phát áo phao cho mọi người. Nhiệm vụ của đội thanh niên tự quản là tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên, học sinh và Nhân dân thực hiện đúng theo Luật GT đường thủy nội địa. Thuyền viên làm việc trên phương tiện phải đủ 16 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam, đủ tiêu chuẩn sức khỏe, phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm và phải biết bơi; có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện. Bên cạnh đó, đội thanh niên còn hướng dẫn hành khách lên, xuống, sắp xếp hàng hóa, hành lý, hành khách ngồi ổn định, chỉ được cho phương tiện rời bến khi hành khách đã ngồi ổn định, xe ôtô, xe máy, xe đạp đã sắp xếp gọn gàng. Đặc biệt, không để hành khách đứng, ngồi ở các vị trí không an toàn.

“Mô hình “Bến đò ngang ATGT” được thành lập từ năm 2013 nhằm góp phần hạn chế tai nạn đuối nước và những tai nạn đáng tiếc trên sông nước. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi chủ động liên hệ với Ban ATGT huyện tham mưu UBND huyện thành lập các đội thanh niên tình nguyện ở 2 bến đò. Từ khi thành lập đến nay, mô hình đạt rất nhiều hiệu quả như: không xảy ra những trường hợp đáng tiếc trên sông tại 2 bến đò ngang, nề nếp trật tự tại 2 bến đò luôn đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân đôi lúc không có đội thanh niên tình nguyện nhắc nhở thì không chịu mặc áo phao, hay chủ đò không đưa áo phao cho người dân mặc”- chị Nguyễn Thị Bích Liễu chia sẻ.

Ghi nhận tại bến đò ngang ATGT ở Rạch Sâu, giữa lúc hạt mưa nặng trĩu thi nhau rơi, tầm nhìn mọi người bị hạn chế hơn vẫn có nhiều thanh niên tình nguyện hướng dẫn hành khách lên xuống đò mặc áo phao. Theo các bạn, ngày nào các thành viên cũng luân phiên trực tại bến đò ngang này. Thời gian là vào giờ cao điểm (6 giờ sáng và 17 giờ chiều). Trong thời gian hơn 1 tiếng có mặt, các bạn cùng nhau làm nhiệm vụ tuyên truyền, trao áo phao cho hành khách. Từ người lớn tuổi đến trẻ em, ai cũng phải có bên mình 1 chiếc áo phao thì đò mới rời bến. “Đây là hoạt động tình nguyện, đoàn viên nào thấy khả năng mình đảm đương được thì tham gia. Dù hoạt động không có thù lao nhưng ai cũng rất nhiệt tình với công việc. Lần đầu tiên khi cầm áo phao trao cho khách, không ít người đưa mắt nhìn rồi phớt lờ. Có người còn hỏi: “Mặc để làm gì, chỉ vài phút là đã sang bên kia bờ rồi”. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, hàng ngày tôi và các thành viên khác vẫn tuyên truyền, lặp đi lặp lại hành động trao áo phao, bây giờ, mọi người đã không còn thái độ ấy nữa, có người còn tự giác lấy áo phao. Gia đình ủng hộ việc làm này nên đó chính là động lực để tôi làm tốt nhiệm vụ” - chị Tô Thị Huỳnh Như (Phó ban Bến đò ngang ATGT Rạch Sâu) bộc bạch.

“Việc thành lập các mô hình bến đò ngang là rất cần thiết.Thời gian tới, tôi sẽ tăng cường chỉ đạo các đội thanh niên tự quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ đò và người dân khi lên đò phải mặc áo phao; đồng thời vận động các mạnh thường quân để có kinh phí mua áo phao nhiều hơn, đáp ứng số lượng hành khách khi qua đò”- chị Liễu cho biết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN