Thoại Ngọc Hầu - danh thần mở cõi

22/11/2022 - 06:17

 - Trong quá trình khai hoang mở cõi, Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) được xem là người có những đóng góp to lớn trong quá trình bình định, mở mang cương thổ vào thời nhà Nguyễn. Ông không chỉ là một danh thần kiệt xuất, mà còn là một doanh điền xuất sắc, với những công trình mang tính chiến lược.

Danh thần mở cõi

Theo Địa chí An Giang, Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) quê quán huyện Diên Phước (tỉnh Quảng Nam), nay thuộc quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), xuất thân từ một gia đình quan chức cấp thấp. Cuối thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông cùng gia đình vào sống ở làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Năm 1777, ông theo phò Nguyễn Ánh cùng qua Xiêm, Lào và lập nhiều công trạng, làm đến chức Thống chế, được phong tước Ngọc Hầu.

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được cử làm Quản thủ đồn Long Hưng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trấn thủ Lạng Sơn, Thống quản biền binh Bảo hộ Cao Miên nên còn được gọi là Bảo hộ Thoại. Năm 1817, ông về làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, đóng quân ở thành Châu Đốc. Với tầm nhìn chiến lược của người tướng, năm 1818, ông chỉ huy dân binh đào kênh nối liền sông Đông Xuyên với Rạch Giá để việc qua lại giữa trấn Vĩnh Thanh và Hà Tiên không còn ngăn cách trong mùa khô hạn. Để tưởng thưởng công lao, vua Gia Long lấy tên ông đặt cho núi Sập là Thoại Sơn và sông Đông Xuyên là Thoại Hà.

Kênh Thoại Hà hoàn thành đã cho thấy, tác dụng to lớn trong việc tạo ra tuyến đường giao thông thủy thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển của tàu thuyền khi muốn đến miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá. Bên cạnh, công trình còn giúp tháo bớt một phần nước lũ ra biển Tây. Ngoài ra, dòng kênh rộng còn góp phần làm thay đổi bộ mặt thôn xóm ở 2 bên bờ, trở thành những vùng đất trù phú, phì nhiêu. Theo thời gian, những giá trị về mặt giao thương, kinh tế của kênh Thoại Hà vẫn còn hữu dụng, thể hiện tầm nhìn của một vị danh thần, được các đời vua triều Nguyễn tin tưởng, giao cho trọng trách trấn thủ bờ cõi phương Nam. 

Với những đóng góp to lớn của mình, Thoại Ngọc Hầu không chỉ được vua ban thưởng bằng cách đặt tên cho ngọn núi, con sông như Thoại Sơn, Thoại Hà, mà người dân ở An Giang đã gọi con đường từ núi Sam đến Châu Đốc là đường Bảo Hộ Thoại, ngôi chùa trên núi Sập là Thoại Sơn tự, cầu bắc ngang kênh Thoại Hà là cầu Thoại Giang, lăng ông trên núi Sam là khu lăng ông Bảo Hộ... Có thể nói, cả cuộc đời Thoại Ngọc Hầu đã hết lòng vì dân vì nước, với vai trò một vị quan tài ba, cần mẫn, thương dân. Những đóng góp của ông góp phần quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định, bảo vệ biên giới quốc gia vào những năm đầu thế kỷ XIX.

Tầm nhìn chiến lược

Trong thời gian làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Thoại Ngọc Hầu đã không ngừng huy động nhân dân tham gia khai hoang, mở đất. Năm 1822, ông lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn. Năm 1823, lập nên 5 làng Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Năm 1826, ông mở đường Châu Đốc đi núi Sam. Sau khi công trình hoàn thành, ông dựng bia Châu Đốc tân lộ kiều lương tại núi Sam vào năm 1828. Đây là những đóng góp quan trọng, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng biên giới Tây Nam thời kỳ đầu triều Nguyễn.

Trong những đóng góp quan trọng đó, kênh Vĩnh Tế được xem là công trình mang tính chiến lược, trở thành tấm “lá chắn” vững chắc bảo vệ biên giới quốc gia trước sự dòm ngó của ngoại bang. Vĩnh Tế là một trong những kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ, với chiều dài hơn 87km và phải huy động hơn 80 vạn nhân công thực hiện trong 5 năm (1819-1824).

Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu tại TP. Châu Đốc

Khi hoàn thành, công trình đã trở thành “kỳ quan” từ sức người đầu tiên ở vùng biên giới Tây Nam đất nước. Hiệu quả con kênh mang lại đã được Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”. Năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh làm quốc bảo, hình ảnh kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào Cao Đỉnh (đỉnh chính giữa, cao nhất) đặt trong sân Thế Miếu.

Sau khi hoàn thành công trình, Thoại Ngọc Hầu cho quy tập hài cốt những người đã mất trong quá trình đào kênh về cải táng bên triền núi Sam, với bài văn tế “Tế nghĩa trủng văn” mang đậm tính nhân văn: “…Đào kênh trước mấy kỳ khó nhớ/Khoác nhung y chống đỡ biên cương/Bình man máu nhuộm chiến trường/Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này…”.

Trải qua mấy trăm năm, kênh Vĩnh Tế và những đóng góp của danh thần Thoại Ngọc Hầu đối với quá trình hoạch định, bảo vệ biên giới quốc gia giai đoạn đầu thế kỷ XIX vẫn còn nguyên giá trị. Tên tuổi của ông sẽ mãi tồn tại với đất và người An Giang, trở thành niềm tự hào, là động lực để thế hệ hôm nay viết tiếp câu chuyện hào hùng, cùng góp sức xây dựng, phát triển quê hương.

THANH TIẾN