Từ xuất phát điểm rất thấp, qua 40 năm xây dựng và phát triển, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn, huyện nghèo ngày nào giờ đây đã có bước phát triển vượt bậc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt, diện mạo quê hương ngày càng đổi mới. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển đổi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế và văn hóa - xã hội đạt được những thành tựu quan trọng.
Đột phá trong nông nghiệp
Với những danh hiệu Thoại Sơn đã vinh dự được phong tặng như: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” - năm 2000, “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” - năm 2009, đặc biệt là “Huyện nông thôn mới” - năm 2018, đã cho thấy sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị Thoại Sơn trong suốt chặng đường 40 tái lập và phát triển. Về vùng đất ông Thoại hôm nay, ít ai ngờ rằng huyện nghèo ngày trước đã có những “bứt phá” vượt trội cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… Ngược dòng thời gian những năm 1980 về trước, mỗi mùa lũ về là đồng đất Thoại Sơn chìm sâu trong nước. Diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa mùa nổi 1 vụ, năng suất khoảng 1,2 tấn/ha.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương lao động hạng ba cho Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn.
Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thành Đô chia sẻ: “Được sự ủng hộ và khích lệ của lãnh đạo tỉnh, trên cơ sở chủ động bàn bạc với dân, đánh giá đúng thực tiễn, Huyện ủy đã đề ra nhiều chủ trương đột phá như: đột phá về cơ chế khoán trong sản xuất nông nghiệp; đột phá về cơ chế phân phối, lưu thông để cân đối một phần ngân sách; đột phá về cơ chế phân phối lương thực để giải quyết vấn đề ổn định lương thực; từ đó đã thực hiện tốt các chính sách xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong các mũi đột phá có chủ trương chuyển vụ, mạnh dạn giao đất, giao công cụ sản xuất để nông dân có quyền tự chủ, xóa hẳn khái niệm “xâm canh”. Xác định thủy lợi là khâu đột phá, Thoại Sơn đã mở rộng 4 tuyến kênh chính (kênh cấp 1), đào mới hơn 44 tuyến kênh cấp 2 và khoảng 400 tuyến kênh cấp 3 nội đồng. Từ năm 1988-1990, toàn bộ 38.000ha đất nông nghiệp được chuyển sang sản xuất lúa 2 vụ, chính thức xóa bỏ diện tích lúa mùa nổi. Sản lượng lương thực của huyện tăng từ 92.000 tấn (năm 1987) lên 312.000 tấn (năm 1990). Liên tục gần 10 năm sau đó (1990-1999), Thoại Sơn có diện tích gieo trồng ổn định với hơn 74.000ha, sản lượng lương thực khoảng 370.000 tấn/năm”.
Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Phạm Minh Tâm khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng cầu Thoại Ngọc Hầu
Thực hiện chính sách “Tam nông” của tỉnh, từ năm 2001-2009, Huyện ủy, UBND huyện Thoại Sơn đã thực hiện 13 đề án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đề án đột phá và có tính quyết định là xây dựng đê bao kiểm soát lũ kết hợp đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức cùng với nhà nước xây dựng hệ thống đê bao kiểm soát lũ triệt để, đảm bảo chuyển toàn bộ diện tích sang sản xuất 3 vụ. Cùng với đó, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn chung sức hoàn thành bê tông và nhựa hóa 350km/900km đê bao. Trong đó 200km đường đê có đèn nông thôn, gần 200 cầu bê-tông và cầu sắt nối liền giao thông nông thôn cũng được hoàn thành... Nhờ vậy, tổng diện tích gieo trồng lúa luôn ở mức trên 100.000ha/năm, với tổng sản lượng hơn 700 ngàn tấn (tăng gấp đôi so với sản xuất 2 vụ năm 1990). Mỗi năm, Thoại Sơn đóng góp hàng trăm ngàn tấn gạo cho xuất khẩu.
Huyện nông thôn mới - ý Đảng, lòng dân!
Vinh dự được chọn làm huyện điểm trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, qua 8 năm bắt tay vào cuộc “cách mạng” nông thôn mới, vùng đất thuần nông còn nhiều thiếu thốn, khó khăn khi xưa giờ đây đã đổi thay đến bất ngờ. Hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại, năng động, đời sống người dân ngày một cải thiện, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn. Hiện, 14/14 xã của huyện Thoại Sơn đạt và duy trì, nâng chất tiêu chí nông thôn mới. Về giao thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của dân, huyện đầu tư nâng cấp 7 tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện (dài 27,6km); nâng cấp 15 tuyến đường liên ấp (dài 80,7km) và 20 tuyến đường trục chính nội đồng (dài 67,2km); xây dựng 93 cây cầu (bê-tông cốt thép và cầu sắt); nhiều cầu trên các tuyến kênh nội đồng. Nhìn chung, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thiện.
Tiềm năng phát triển du lịch của Thoại Sơn là rất lớn
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Thoại Sơn đạt 47,425 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 3,10%. Toàn huyện có 27.188/33.299 hộ có nhà đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 81,65%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện liên tục giảm qua các năm. Nhờ kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của các bậc tiền nhân, cùng sự đoàn kết, chung lòng, Thoại Sơn đã phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ “ngoại lực” trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy huyện phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ngoài kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch, thông tin, bưu chính - viễn thông… phát triển đồng bộ, Thoại Sơn còn có tiềm năng phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch với Tỉnh lộ 943 và 960. Đặc biệt là tuyến Tỉnh lộ 943 đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng - trục chính kết nối Thoại Sơn với TP. Long Xuyên, huyện Tri Tôn, là “sức bật” tạo sự phát triển cho huyện.
Đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao
Để có được thành tựu trong nông thôn mới ấy, toàn Đảng, toàn dân Thoại Sơn đã rất nỗ lực, vượt qua rất nhiều khó khăn về trình độ nhận thức, về con người, về vốn đầu tư… Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thành Đô thông tin: “Từ khi được tỉnh chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn đã tập trung mọi nguồn lực, đề ra nghị quyết, kế hoạch cụ thể, rõ ràng và phân công các đầu công việc cho từng ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Cùng với đó là sự phát động rõ ràng các chương trình, hành động để các địa phương tự nguyện đăng ký thi đua thực hiện. Việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới để kịp thời phát hiện khó khăn, đề ra những giải pháp tháo gỡ cũng là mấu chốt để chúng tôi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sớm hơn lộ trình”.
Điểm sáng an sinh xã hội
Một trong những mô hình rất nhân văn vì người nghèo của huyện là Hội Mái ấm tình thương. Qua 10 năm, 2.000 căn nhà Mái ấm tình thương ở Thoại Sơn được dựng lên bằng tình thương và tấm lòng thiện nguyện của biết bao người, mang lại tổ ấm vững chắc cho người nghèo - đó là sức mạnh của niềm tin và sự cống hiến to lớn của bao trái tim nhiệt huyết vì công tác xã hội. Hội được thành lập từ những ngày đầu khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, thành viên không nhiều. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cùng các ngành, các cấp, từ khi ra đời (năm 2008), hội không ngừng phát triển và lớn mạnh về quy mô và tổ chức. Qua mỗi nhiệm kỳ, những dấu mốc phát triển trong hoạt động của hội được nâng lên. Nếu năm 2014, hội tổ chức bàn giao căn nhà thứ 1.000 cho hộ nghèo thì đến năm 2016, hội tiếp tục ghi dấu ấn với căn nhà thứ 1.500. Đến năm 2018, căn nhà thứ 2.000 được trao cho hộ bà Lê Thị Dung (ấp Trung Bình, xã Thoại Giang). Điểm sáng đáng tự hào của Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn là được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba (năm 2018) vì “đã có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội- từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Những cây cầu vững chắc nối nhịp bờ vui, tạo điều kiện trong giao thương, đi lại của người dân
Nhằm phát huy hiệu quả từ hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, UBND huyện Thoại Sơn đã xây dựng, triển khai “Đề án xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Thoại Sơn” giai đoạn 2019 - 2020. Tạo điều kiện để địa phương phát huy tốt hơn các nguồn lực, nhất là những nguồn lực tại chỗ trong nhân dân, góp phần tiếp sức cho học sinh nghèo khó, nâng bước những mầm non vững bước đến trường. Hay hoạt động tích cực của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Thoại Sơn luôn là điển hình trong công tác an sinh xã hội của huyện. Qua đó, các cấp hội đã kêu gọi, tích cực vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài huyện trợ giúp thuốc, hàng hóa, tiền của cho những mảnh đời bất hạnh. 10 năm qua, hội đã tổ chức khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà cho 62.062 lượt người tàn tật, mồ côi, bệnh nhân nghèo; trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn của huyện, với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ mổ tim cho 68 trường hợp, mổ mắt 1.203 trường hợp, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn luôn tự hào với những thành tựu đã đạt được. “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, duy trì và nâng chất nông thôn mới; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động; tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…”- Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thành Đô nhấn mạnh.
Tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thoại Sơn trên 2.119 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 96 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 1.127 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 201 tỷ đồng; ngân sách xã trên 3,8 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác hơn 327 tỷ đồng; vốn vay tín dụng 26,5 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đóng góp hơn 60 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 250 tỷ đồng và vốn huy động khác 25 tỷ đồng.
|
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN