Trao nhà Tình nghĩa cho hộ nghèo
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thoại Sơn, đầu năm 2018, toàn huyện có 44.680 hộ dân, với 1.983 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,44%), đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 1.388 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,11%). So đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 1,33%, với 639 hộ. Có thể nói, nhờ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, kết quả giảm nghèo trên địa bàn Thoại Sơn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhiều địa phương, hộ gia đình có cách làm hay, giải pháp phù hợp nhằm tranh thủ nguồn lực đầu tư của nhà nước, phát huy thế mạnh của địa phương để vươn lên, khẳng định bản thân và ý chí thoát nghèo. Với hàng loạt giải pháp như: vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp và du lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên địa phương đã góp phần lớn vào mục tiêu giảm nghèo bền vững trên vùng đất núi Thoại sông Hà.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thoại Sơn Trần Trọng Danh cho biết: “Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Huyện thường xuyên quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo. Điều này được thể hiện qua các văn bản chỉ đạo và các chính sách ban hành hướng tới người nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới giảm nghèo bền vững. Nổi bật là các chính sách đã và đang phát huy hiệu quả từng ngày như: tín dụng, y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… Cùng với đó, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về giảm nghèo cho người dân. Từ đó, chuyển biến nhận thức và tư duy, mục tiêu thoát nghèo, làm giàu chính đáng trong những hộ nghèo và cận nghèo”.
Với chính sách tín dụng, qua thời gian triển khai và bình xét cho vay vốn tín dụng hộ nghèo, tạo điều kiện để họ sản xuất qua các mô hình như: nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, trồng nấm rơm, nấm bào ngư… đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định. Theo quy định, hộ vay tối đa là 30-50 triệu đồng, hộ nghèo được tạo điều kiện tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp. Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 698 hộ nghèo với số tiền 15 tỷ đồng; 589 hộ cận nghèo, với số tiền 17 tỷ 760 triệu đồng. 100% hộ nghèo, cận nghèo nhận được thẻ bảo hiểm y tế đúng thời gian quy định. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp UBMTTQVN huyện Thoại Sơn tích cực cất và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm qua, đã cất mới và sửa chữa 176 căn nhà, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo “an cư lạc nghiệp”. Phối hợp các xã, thị trấn vận động quà hỗ trợ cho gia đình hộ nghèo, cận nghèo vui xuân đón Tết 4.628 phần quà, với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Năm 2018, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở 51 lớp dạy nghề. Qua đó, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, đạt tỷ lệ 106% so kế hoạch, trong đó có 52/25 lao động đi làm việc nước ngoài, đạt 144% so kế hoạch. Theo ông Danh, hỗ trợ lao động nghèo đi xuất khẩu lao động là một trong những chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Với nguồn thu nhập cao (từ 25 triệu đồng/tháng) đã giúp gia đình có con em đi lao động nước ngoài dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Hiện thị trường thu hút lao động nhiều nhất là: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Tuy chính sách giảm nghèo được thực hiện tốt nhưng huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đó là một bộ phận người lao động, người nghèo còn tâm lý thụ động, chưa có ý thức tìm việc làm hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương mà thiếu ý chí phấn đấu thoát nghèo. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo chưa tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ. “Để công tác giảm nghèo ngày càng bền vững, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của trung ương, UBND tỉnh và kế hoạch giảm nghèo hàng năm của huyện gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình giảm nghèo bền vững, tăng cường giải pháp chống tái nghèo”- ông Trần Trọng Danh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN