Thoại Sơn phát triển sản phẩm OCOP

02/11/2022 - 05:14

 - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã và đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP huyện Thoại Sơn

Đa dạng sản phẩm

Với mong muốn cung cấp những sản phẩm tốt cho sức khỏe, giá thành hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, chị Vương Kim Đính (hộ kinh doanh Vương Kim, xã Bình Thành) đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trà và rượu từ cây đinh lăng. Các sản phẩm của cơ sở hiện đang được thị trường đón nhận.

Để tạo ra sản phẩm trà đinh lăng, chị Đính lựa chọn những nguyên liệu chất lượng từ cây đinh lăng và xạ đen theo tỷ lệ 9:1, sau đó đem sấy ở nhiệt độ và thời gian thích hợp. Kết hợp các loại dược liệu này giúp cho trà đinh lăng có công dụng hỗ trợ phục hồi sinh lực, tăng tuần hoàn máu lên não, tăng sức đề kháng, tạo miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, điều trị chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh... Sản phẩm có mặt trên thị trường với 2 dạng: Sấy khô và túi lọc, giá bán dao động từ 30.000-60.000 đồng/gói (tùy loại).

Đối với rượu đinh lăng, chị Vương Kim Đính sử dụng phần rễ (củ) của loại dược liệu này để ngâm rượu. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà cơ sở cung cấp các loại rượu được ngâm từ rễ tươi hoặc sấy khô, độ cồn từ 40-50%. Sản phẩm được đóng chai, với kiểu dáng bắt mắt, có giá 150.000 đồng/chai 500ml.

Đặc biệt, chị Đính còn tiến hành chạm khắc, tạo hình rễ đinh lăng thành những hình dạng độc đáo, như: Tượng Phúc - Lộc - Thọ, thuận buồm xuôi gió, long phụng... sau đó đem đi ngâm rượu. Các sản phẩm loại này có giá bán khá cao, từ 3 triệu đồng/bình, được khách hàng lựa chọn để làm quà tặng bạn bè, người thân trong dịp lễ, Tết…

Các sản phẩm trà sâm đinh lăng và rượu sâm đinh lăng của hộ kinh doanh Vương Kim vừa được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao. Đây là sự động viên, khích lệ, tạo động lực để chị Vương Kim Đính tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới từ cây đinh lăng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOC tỉnh An Giang đợt 1/2022, huyện Thoại Sơn có 5 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Khô cá lóc 7 Chóp (hộ kinh doanh khô 7 Chóp); cóc sấy dẻo (hộ kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam); trà sâm đinh lăng và rượu sâm đinh lăng (hộ kinh doanh Vương Kim); chả cá sốt Mayonnaise (hộ kinh doanh thực phẩm An Khang).

Đến nay, huyện Thoại Sơn có 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm là gạo ngon Tiến Vua Tiên Nữ và gạo đặc sản Thiên Vương thuộc Công ty Lương thực Thoại Sơn được công nhận đạt OCOP 5 sao; sản phẩm đạt 4 sao OCOP là tranh lá thốt nốt (cơ sở tranh lá thốt nốt Võ Văn Tạng).

Đối với sản phẩm OCOP 3 sao, ngoài các sản phẩm được công nhận năm 2022 còn có các sản phẩm khác, như: Nấm linh chi Tri Thức, trà mãng cầu Thanh Nam, gạo An Bình 1 - Hợp tác xã nông nghiệp An Bình, bưởi da xanh Hùng Hạnh, atiso đỏ sấy dẻo Bảo Trang.

Ảnh: TRÚC PHA

Hỗ trợ chủ thể phát triển

Để hỗ trợ, giúp đỡ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn cùng các đơn vị có liên quan đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia chương trình OCOP, đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thường xuyên hỗ trợ các chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm sau khi công nhận.

Đồng thời, khuyến khích các chủ thể chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử... 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lữ Thị Kim Dung nhận định, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng; các chủ thể chú trọng hơn trong các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng.

Các sản phẩm được công nhận OCOP đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể kinh tế tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Đặc biệt, chương trình OCOP cũng góp phần tạo việc làm cho lao động nghèo nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế…

ĐỨC TOÀN