Thoại Sơn rạng danh quê hương anh hùng

08/09/2024 - 17:48

 - Trên tuyến đường từ trung tâm huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đến các xã, thị trấn được tô điểm đủ sắc màu của cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu, tạo nên gam màu rực rỡ tươi mới, chào mừng huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023.

Thoại Sơn ngày càng phát triển để trở thành miền quê đáng sống

“Có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”

Hôm nay (9/9), UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; kỷ niệm 45 năm ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23/8/1979 - 23/8/2024).

Kết quả này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Thoại Sơn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung, khi biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đánh dấu sự chuyển mình của huyện và làm tiền đề để địa phương phát triển trong những năm tới.

Thoại Sơn tự hào là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang, là một trong 6 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh, lễ công bố quyết định công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao là sự kiện cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).

Với quan điểm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2018 (vượt lộ trình kế hoạch 1 năm), huyện Thoại Sơn đã bắt tay ngay vào việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, mang đến diện mạo mới cho nông thôn, hình thành thêm nhiều miền quê đáng sống.

Địa phương luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; có sự thống nhất xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương; ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Theo đó, huyện xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Từ năm 2010, Thoại Sơn đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” mang lại nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, 100% xã của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2019, huyện Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM chung của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ huyện Thoại Sơn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025); Huyện ủy Thoại Sơn ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động 05-CTr/HU, ngày 7/12/2020 về xây dựng huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, nhiều chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa, tiếp tục lãnh, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thông minh đạt nhiều kết quả tích cực.

Nỗ lực không ngừng

Địa phương thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng NTM, thường xuyên duy trì, nâng chất, nhân rộng với nhiều mô hình hiệu quả, tiêu biểu, như: “Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”, “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” trên địa bàn 17 xã, thị trấn… Qua đó, hệ thống MTTQ từ huyện đến cơ sở đã đăng ký thực hiện 39 mô hình (duy trì 29 và đăng ký mới 10).

Hiện nay, 14/14 xã đạt chuẩn quy định về NTM (19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu) và NTM nâng cao (19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu), xã Định Thành, Vĩnh Trạch được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 3 thị trấn (Núi Sập, Phú Hòa, Óc Eo) được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị theo Thông tư 2/2013/TT-BVHTTDL, ngày 24/1/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trong chuyến khảo sát, tìm hiểu cách làm hay, kinh nghiệm xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại huyện Thoại Sơn vào tháng 5/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang nói chung, huyện Thoại Sơn nói riêng. Địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM, góp phần thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang, huyện Thoại Sơn tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy kết quả đạt được, thực hiện tốt hơn nữa chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tăng cường xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị thông minh, văn minh; xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm, thời gian tới, địa phương tập trung lãnh, chỉ đạo cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động Nhân dân - với vai trò chủ thể - tích cực duy trì, nâng chất tiêu chí, chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng “Cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; tiếp tục phối hợp doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động chưa có việc làm theo đơn đặt hàng. Đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực, lợi thế so sánh, tổ chức thực hiện, chú trọng xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở.

Tổng mức kinh phí để triển khai các dự án phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở cấp huyện và cấp xã gần 847 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 50,7 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 403 tỷ đồng; ngân sách huyện là 373 tỷ đồng; vốn huy động khác gần 20 tỷ đồng.

PHƯƠNG LAN