Phòng PC 45 - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, 3 nạn nhân may mắn được giải cứu kịp thời là Phan Thị Hồng Nh, sinh năm 1993, trú tại huyện Tháp Mười; Nguyễn Thị Bích Th, sinh năm 1986, trú tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và Lê Thị Cẩm Nh, sinh năm 2002, trú tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Trước đó chị Nh, Th và Ng có quen biết 2 người phụ nữ tên Oanh và Tâm nhưng không rõ lai lịch. Oanh và Tâm thuyết phục 3 người này sang Trung Quốc làm may với tiền công 15 triệu đồng/tháng, hoặc lấy chồng thì có khoản tiền lớn gửi về cho gia đình. Hôm đó, Tâm đón Phan Thị Hồng Nh, Nguyễn Thị Bích Th và Lê Thị Cẩm Nh tại Bến xe miền Đông sau đó đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất mua vé cho 3 người đi Hải Phòng. Đối tượng dùng điện thoại chỉ đạo 3 nạn nhân tiếp tục di chuyển đến Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ có người đón và thanh toán toàn bộ tiền lộ phí. Rất may trong quá trình di chuyển, chị Lê Thị Cẩm Nh sinh nghi nên đã gọi cho người thân liên lạc với Công an thành phố Hải Phòng đề nghị giải cứu. Nạn nhân này cho biết, lúc lên máy bay mới phát hiện không phải đi thẳng qua Trung Quốc mà xuống sân bay Hải Phòng rồi mới đi tiếp ra Móng Cái, sinh nghi ngờ nên đã báo người thân biết về việc này.
Nhận được tin báo của Công an thành phố Hải Phòng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt giải cứu kịp thời 3 nạn nhân khi chiếc xe taxi chở họ đi đến khu vực huyện Tiên Yên.
Từ kết quả đấu tranh cho thấy, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp, trong đó các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng liên quan của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như trong vụ việc này, bọn chúng không hề xuất đầu lộ diện mà chỉ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại.
Cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh lấy lời khai của một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.
Thượng úy Phạm Xuân Đức, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Ninh cho biết, để ngăn chặn tội phạm mua bán người, trước hết phải truyền tải sâu rộng kiến thức pháp luật và những hiểu biết đối với người dân, đặc biệt đối với những người ở vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn mà các đối tượng mua bán người thường lợi dụng để lừa nạn nhân sang bên Trung Quốc.
Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là việc trao đổi thông tin nhằm chủ động ngăn chặn loại tội phạm này.
Theo Dân Việt