Qua đó, lực lượng Công an đã khởi tố 92 vụ việc tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm rõ 85 vụ, 97 đối tượng, thu hồi 293,324 tỷ đồng; đồng thời, xác lập đấu tranh triệt phá 5 vụ án, bắt giữ xử lý 23 đối tượng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, các cấp, các ngành và địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức và nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm. Các đơn vị nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; thực hiện hiệu quả Đề án 06 (tập trung ứng dụng dữ liệu dân cư xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ “sim rác” xác thực tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong các giao dịch điện tử).
Lực lượng Công an các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Thời gian qua, tại tỉnh Long An cùng các tỉnh, thành trong cả nước, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn. Theo đó, các đối tượng sử dụng phần mềm giả số điện thoại, gọi điện trên nền tảng mạng internet, sử dụng “sim rác”, không chính chủ gọi điện, lừa đảo kinh doanh hàng đa cấp; lừa đảo trong kinh doanh mua, bán, chuyển nhượng đất đai, nhà ở...; nhắn tin trúng thưởng đến các số điện thoại. Các đối tượng cũng giả danh cơ quan thi hành pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án), nhân viên Bưu điện, Ngân hàng để lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng tìm cách chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Faceboook,...) để gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản; thông báo làm căn cước công dân định danh điện tử mức 2, sau đó hướng dẫn các nạn nhân thực hiện các thao tác theo hướng dẫn để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân, thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền... gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân...
Theo TTXVN