Nút thắt an cư
Theo Niên giám thống kê tỉnh An Giang năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 287.000 lao động tại khu vực đô thị thuộc diện thu nhập thấp (dưới 9 triệu đồng/tháng). Trong đó, 20% gặp khó khăn về nhà ở, tương đương 57.000 người. Dự kiến, năm 2025 có khoảng 60.000 người, năm 2030 có khoảng 65.000 người cần hỗ trợ về nhà ở.
Cả 3 thành viên trong gia đình anh Đỗ Vạn Phúc (ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) đều sinh sống và làm việc tại TP. Long Xuyên. Thời gian đầu, họ thuê phòng trọ chỉ hơn 20m2, điều kiện sống chật chội, không đảm bảo không gian sinh hoạt. Nhờ dự án nhà ở xã hội Tây Đại học (phường Mỹ Phước), anh sở hữu được nhà ở, an cư lạc nghiệp với giá cả hợp lý so thu nhập của gia đình.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang Văng Phú Vỹ cho biết, hiện nay người dân đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội Tây Đại học (do công ty làm chủ đầu tư) vượt hơn số lượng nhà ở cung cấp của dự án.
“Điều này cho thấy, nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ tại khu vực đô thị là rất lớn. Tuy nhiên, công ty chưa thể triển khai thêm dự án nhà ở xã hội tại TP. Long Xuyên, bởi khó tiếp cận được quỹ đất sạch; thủ tục của pháp luật mất nhiều thời gian. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ về chính sách để tạo quỹ đất sạch, bình ổn giá vật liệu xây dựng, cũng như tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, cơ chế để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai dự án. Nếu như các cơ quan chức năng tháo gỡ được những nút thắt trên, chúng tôi sẵn sàng đầu tư nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ phục vụ đối tượng có thu nhập thấp tại thành phố” - ông Vỹ khẳng định.
Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà quốc gia Bình Dương khá thành công khi đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Bà Văn Huyền Hoa (Phó Trưởng chi nhánh công ty tại An Giang) chia sẻ: “Để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) đóng góp vào chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, pháp luật cần xem xét, mở rộng quy định cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích thuộc trường hợp phải đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tương ứng với 20% quỹ đất ở trong dự án, thì được quyền hoán đổi nếu chủ đầu tư đã đầu tư tại 1 dự án nhà ở xã hội độc lập khác trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố. Điều này vừa hỗ trợ tăng giá trị dự án nhà ở thương mại của DN, vừa khuyến khích DN tự tạo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn”.
Xây thêm nhiều “căn nhà mơ ước”
Đầu năm 2022, UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định 3 đề án nâng loại đô thị thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú), thị trấn An Châu (huyện Châu Thành), thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) lên loại IV. Nếu được công nhận, An Giang sẽ có 7 đô thị loại IV, cùng với đô thị loại I TP. Long Xuyên, đô thị loại II TP. Châu Đốc, đô thị loại III TX. Tân Châu và 14 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 đạt 40%.
Cùng với đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng được địa phương quan tâm, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tạo nơi ở ổn định cho họ sinh sống tại đô thị, yên tâm lao động, công tác. Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần huy động gần 47.000 tỷ đồng để phát triển mới tối thiểu 6 triệu m2 sàn nhà ở. Riêng dự án nhà ở thương mại tăng thêm ít nhất 532.226m2 sàn, nhà ở xã hội khoảng 175.500m2 sàn.
Để đạt mục tiêu, tỉnh quy hoạch hơn 3.042ha đất phát triển nhà ở (trong đó khoảng 35ha nhà ở xã hội). Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ xã hội hóa, thông qua kế hoạch bố trí, sử dụng đất hiệu quả; phát triển dự án trên khu đất dọc các trục giao thông lớn, khu vực có hạ tầng kỹ thuật tương ứng để phù hợp quy hoạch phát triển đô thị và tăng giá trị sử dụng đất.
Tỉnh sẽ rà soát, thu hồi quỹ đất thuộc dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới (đã giao cho các chủ đầu tư nhưng không triển khai, hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã được phê duyệt). Bên cạnh đó, ưu đãi về tiền sử dụng đất; cắt giảm tối đa thủ tục và thời gian hoàn thành pháp lý đầu tư; ủy thác nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện, ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành trình tự, nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng và hồ sơ minh chứng, điều kiện của các đối tượng để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hướng dẫn hồ sơ minh chứng và điều kiện để được thụ hưởng chính sách đăng ký mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội theo Thông tư 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Từ năm 2022, An Giang tiếp tục xây dựng nhiều nhà ở xã hội. Việc bán và cho thuê nhà ở xã hội sẽ được kiểm soát đúng đối tượng theo quy định. Sở Xây dựng công khai danh sách người mua nhà ở xã hội trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi và giám sát. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở cho việc công khai thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được nhanh chóng, thuận lợi.
TP. Long Xuyên hiện nay có 2 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, quy mô 36.420m2 sàn, bao gồm: Khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ (495 căn) năm 2016; dự án Tây Đại học với 4 block chung cư (448 căn hộ), đã hoàn thành 3 block nhà, đang đầu tư block còn lại.
|
VẠN LỘC