Thư pháp ngày Xuân

03/02/2023 - 07:19

 - Trong không khí háo hức của những ngày đầu năm mới, ngoài những lời chúc tụng dành cho nhau, nhiều người còn muốn gửi gắm những lời cầu chúc tốt đẹp vào thư pháp.

Những ngày đầu Xuân Quý Mão, anh Hồng Phú (sinh năm 1974, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) tất bật với việc hành nghề “ông đồ” tại chợ hoa Xuân, cũng như góp mặt trong các sự kiện văn hóa vui Xuân, đón Tết. Theo đuổi bộ môn nghệ thuật thư pháp gần 20 năm, anh Hồng Phú cho biết vài năm trở lại đây, người tìm đến bộ môn thư pháp này khá nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Một số người tìm đến thư pháp như một sự hiếu kỳ nhằm giải mã những thắc mắc nhiều với nghệ thuật “rồng bay phượng múa”. Số khác đến với thư pháp như cách giúp họ hoài cổ, tìm thấy những giây phút lắng đọng, khắc khoải với một thời “hoàng kim” của nghệ thuật thư pháp.

“Lại có nhóm người trẻ tìm đến thư pháp như cách giúp họ “giải mã” những gì còn ẩn chứa trong từng nét chữ tài hoa để nung nấu tình yêu với nó. Đối tượng này thường là học sinh, sinh viên. Thường thì, khoảng 3 tháng là họ có thể viết được chữ thư pháp theo cách cơ bản nhất. Còn để trở nên thành thục, thảo những nét thư pháp nội lực và có hồn thì phải mất khá nhiều thời gian luyện tập. Học thư pháp cực kỳ khó, khó nhất là phải biết làm chủ được cây bút nhấn nhá đậm nhạt, toát lên cái hồn, thông điệp mà mình gửi gắm qua nét bút. Người học phải có sự kiên nhẫn, chịu khó, có những chữ đơn giản nhưng phải tập đi tập lại rất nhiều lần” - anh Hồng Phú chia sẻ.

Không chỉ hiểu ý nghĩa và cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong từng nét chữ “rồng bay, phượng múa”, luyện thư pháp giúp người viết dưỡng tâm rèn tính, tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại, gìn giữ nét văn hóa nước nhà. Có thể nói, thư pháp không còn là thú chơi lặng lẽ của những người yêu thích nghệ thuật này mà đã thực sự hòa mình cùng lễ hội, giới thiệu rộng rãi với công chúng. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân, thư pháp luôn được dành một không gian riêng để các “ông đồ” phô diễn tài năng.

Cũng như nhiều người yêu thư pháp, gần 6 mùa Xuân qua, anh Hồng Phú đều tham gia gian hàng nhỏ tại chợ hoa Xuân (phường Mỹ Xuyên) để “trổ tài” thư pháp. “Thư pháp theo chữ quốc ngữ được lưu truyền ngày càng sống động, và sẽ không bao giờ phai nhạt theo thời gian” - anh Hồng Phú khẳng định chắc nịch về tương lai của nghệ thuật thư pháp.

So với năm 2022, lượt khách tìm đến gian hàng thư pháp ở chợ hoa Xuân của anh Hồng Phú tăng trong dịp Tết Quý Mão. Đó là tín hiệu vui, góp phần củng cố nhận định của “ông đồ” Hồng Phú về thư pháp Việt Nam: “Khách chơi thư pháp thường qua các câu liễn đối, những bức tranh nghệ thuật. Để đưa thư pháp tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, tôi còn viết chữ thư pháp trên từng bao lì xì. Vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển, từng nét thư pháp được gửi gắm trong đó nhằm góp phần mang đến những điều tốt đẹp cho người được trao tặng. Tùy vào chất liệu, số lượng chữ thư pháp, kích thước của từng bức tranh hay tấm liễn mà giá cả khác nhau, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài triệu đồng/sản phẩm được viết bằng chữ thư pháp”.

Cũng theo anh Phú này, người làm nghề buôn bán thường xin chữ “Phú Quý”, “Phúc Lộc”; người cẩn thận xin chữ “Nhân”, “Nhẫn”, “An”… Song, chữ nào cũng có nội dung hướng đến sự bình an, mạnh khỏe, hướng đến cái thiện của mỗi người trong năm mới. Để phục vụ đa dạng các đối tượng khách hàng, gian chiếu của anh Phú lúc nào cũng trưng bày hơn 40 bức thư pháp đủ kích cỡ, từ những điều hay lẽ phải được viết trên gỗ, giấy, lụa... đến tranh phong cảnh có ghi những câu thơ bằng nghệ thuật thư pháp.

“Nhà tôi treo khá nhiều tranh, liễn được viết bằng chữ thư pháp. Lúc đầu là hiếu kỳ nhưng càng tìm hiểu tôi càng đam mê. Tết năm nào, tôi cũng tìm mua tranh thư pháp với những nét chữ bay bổng hàm chứa nhiều may mắn, thuận lợi cho gia đạo” - chị Kim Ngân (30 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) cho biết.

Một số người cho rằng, trong xã hội ngày nay, vị trí của thư pháp đang bị mờ nhạt. Song, với những ai đã đam mê thì giá trị của thư pháp luôn trường tồn. Vẫn có những người trẻ không chỉ yêu thích thư pháp mà còn gắn bó với thư pháp, qua đó không ngừng nỗ lực học hỏi để tiếp nối, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

PHƯƠNG LAN