Sau nhiều tháng đàm phán về một thỏa thuận nhằm bảo vệ thương mại giữa hai bên khỏi các hạn ngạch và thuế quan có thể xảy ra, Anh và EU vẫn chưa thu hẹp được những khác biệt đáng kể về ít nhất hai vấn đề chính là đánh bắt cá và cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào thì cũng cần được thông qua vào giữa tháng 11-2020, trong bối cảnh một số doanh nghiệp hy vọng rằng sức ép thời gian và cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra trên khắp châu Âu có thể buộc các nhà đàm phán phải tập trung tâm trí để không bị gián đoạn vào cuối năm 2020.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của Anh David Frost (trái) và người đồng cấp EU Michel Barnier tại vòng đàm phán thứ nhất ở Brussels, Bỉ ngày 2-3-2020. Ảnh: AFP-TTXVN
Văn phòng Thủ tướng Johnson cho hay các trưởng đoàn đàm phán, ông Michel Barnier của EU và David Frost của Anh, sẽ nối lại đàm phán tại London vào ngày 9-11 nhằm "nỗ lực gấp hai lần để đạt được một thỏa thuận".
Trước đó, Ngoại trưởng Dominic Raab nói trên BBC rằng có "cơ hội tốt để đạt được thỏa thuận nếu EU linh hoạt hơn trong vấn đề đánh bắt cá và cạnh tranh công bằng".
Những bất đồng về việc đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, đặc biệt là về các quy tắc viện trợ của nhà nước và thủy sản, một lĩnh vực mang đầy tính biểu tượng cho những người ủng hộ Brexit ở Anh, là các yếu tố làm kéo dài các cuộc đàm phán kể từ khi Anh rời EU hồi tháng 1-2020.
Cả hai bên đều kêu gọi sự thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận trong các cuộc trao đổi ngày càng gay gắt, đặc biệt là sau khi Anh bất ngờ phá vỡ một số điểm trong “thỏa thuận ly hôn” trước đó. Anh muốn có một thỏa thuận thương mại riêng biệt với Mỹ, nhưng một số người nói rằng ông Johnson có thể phải "vật lộn" để tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với Joe Biden, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ. Ông Joe Biden trong quá khứ hoài nghi về Brexit và chưa bao giờ gặp Thủ tướng Johnson.
Theo MINH HẰNG (Báo Tin Tức)