Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trong kỷ nguyên mới
16/02/2025 - 18:55
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa lĩnh vực công nghệ số trở thành ngành kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
AA
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, công nghệ số thế hệ mới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự chủ động thích ứng, kiểm soát tốt rủi ro, tận dụng tối đa hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, từng bước tự chủ về công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lắp ráp linh kiện điện thoại tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN
Cơ hội, thách thức đan xen
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia phát triển số cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) - công nghệ mới hiện nay dự kiến sẽ đóng góp 19,9 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. AI có thể chuyển đổi các nền kinh tế mới với tiềm năng nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh kinh tế.
Không nằm ngoài xu thế đó, lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước. Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số của Việt Nam năm 2024 ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019.
Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số cũng phát triển ngày càng lớn mạnh với gần 74.000 doanh nghiệp. Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đa dạng, từ phần cứng, điện tử, đến phần mềm và các công nghệ tiên tiến như AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật,...
Lực lượng lao động đạt hơn 1,67 triệu lao động, tăng hơn 50% so với năm 2019. Tính đến hết năm 2023, đã có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thị trường quốc tế, doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022.
Điều này, đã góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam qua từng năm. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2023 và tăng 32 bậc so với năm 2013. Trong số đó, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Những con số trên cho thấy, công nghiệp công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững,
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn có những điểm yếu lớn. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù ngành điện tử, khu vực FDI xuất khẩu 100%, đưa Việt Nam lên hàng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về xuất khẩu thiết bị linh kiện điện tử; nhưng 89% giá trị linh kiện này đều là nhập khẩu.
Samsung đầu tư từ 2008 đến nay, nhưng trong 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung tại Thái Nguyên có tới 55 doanh nghiệp nước ngoài. Tại Bắc Ninh, con số này 176 và 164. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,...
Năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam. Việc thu hút nhân tài công nghệ cao chưa đủ mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo.
Việc phát triển công nghệ số, hạ tầng công nghệ số chưa đồng đều giữa các vùng, miền, tạo ra khoảng cách lớn trong tiếp cận công nghệ, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số.
Trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là AI, cũng có rủi ro. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, những rủi ro về mặt kỹ thuật là tấn công mô hình và thiên lệch. Những rủi ro về mặt kinh tế là cạnh tranh và độc quyền; về mặt xã hội là thất nghiệp và khủng hoảng an sinh xã hội. Yếu tố rủi ro về môi trường là tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm; về pháp lý là quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư, quyền không bị phân biệt đối xử;…
Theo bà Trần Thị Lan Hương, khảo sát của Quỹ Tiền tệ thế giới về chỉ số sẵn sàng ứng phó với AI, Việt Nam xếp thứ 9 ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Singapore, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philipines và Mông Cổ.
Theo Tiến sỹ Trần Thị Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, để phát triển kinh tế bền vững với sự hỗ trợ đáng tin cậy của công nghệ mới, trong đó có AI, Việt Nam cần đặt tiêu chí phục vụ con người, đạo đức và trách nhiệm lên hàng đầu.
Chủ động thích ứng
Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ VI đã chỉ ra cốt lõi của vấn đề, đất nước muốn hoá Rồng, muốn thoát bẫy thu nhập trung bình phải nâng cao năng suất lao động dựa trên việc khai thác thật tốt tiềm năng trí tuệ của người Việt; tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ (KHCN); tập trung vào kinh tế số, lấy kinh tế số làm động lực chính cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Bảo, trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận về công nghệ, Trung Quốc vẫn phát triển được mô hình AI DeepSeek với chi phí rẻ hơn và con chip yếu hơn, đe dọa sự thống trị AI của Mỹ là điều dễ hiểu. AI dựa trên nền tảng toán học và phần mềm. Điều này có thể củng cố niềm tin rằng, cơ hội về AI của Việt Nam không hề nhỏ, không hề xa vời, bởi người Việt cũng có thế mạnh về Toán.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và triển khai Nghị quyết số 03 mới đây của Chính phủ, Bộ đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật trong năm nay gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi và Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại các địa phương như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Ông Đỗ Trường Giang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29 và 52 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 50, 99 năm 2021, Nghị quyết số 54 năm 2022 của Chính phủ, Bộ đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, sớm trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số vào tháng 5 tới.
Mục tiêu nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Dự kiến giai đoạn 2025-2026, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất thay thế phần ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin bằng một văn bản luật về Chính phủ số hoặc Chuyển đổi số.
Trước đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2025 tới. Mục đích nhằm tăng cường sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu vừa phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu để phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Theo PGS TS Đỗ Minh Khôi, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, xu hướng hiện nay của thế giới là ưu tiên kiểm soát nguy cơ rủi ro vì công nghệ mới có thể gây hại cho con người.
Ông dẫn chứng, AI bản chất là thuật toán. AI sẽ không phát huy được giá trị nếu không có dữ liệu nhưng dữ liệu lại có yếu tố chủ quyền, chính trị và an ninh quốc gia. Người nắm được dữ liệu sẽ kiểm soát được người khác. Do vậy, là một quốc gia nhỏ, Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải quyết là đa tầng, đa chủ thể, đa mục tiêu. Trong số đó, mục tiêu an ninh, an toàn, phát triển quốc gia là số 1.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: