Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

22/04/2022 - 06:37

 - Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số tạo động lực phát triển xã hội số, đưa các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). An Giang đang triển khai các giải pháp phát triển DN công nghệ số, nhằm đưa ngành công nghệ số tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và kinh tế số.

Phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Theo UBND tỉnh, An Giang hiện có 7.026 DN nhỏ và vừa. Trong đó, có 172 DN công nghệ thông tin đang hoạt động. DN công nghệ số trên địa bàn còn hạn chế, chủ yếu là các DN nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin, như: Viễn thông An Giang, Viettel An Giang, MobiFone An Giang, Viễn thông FPT An Giang… Chưa có DN tư nhân được công nhận là DN công nghệ số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các DN chưa nhiều, chủ yếu là sử dụng phần mềm văn phòng, như: Phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nội bộ...

Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra giai đoạn phát triển mới, với nhiều khái niệm mới được ra đời, như: Số hóa, chuyển đổi số, công nghệ số, DN số, kinh tế số. Theo Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam, khái niệm công nghệ số, gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Block chain), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật (IoT-Internet Of Things)… DN công nghệ số là: DN ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số.

Với mong muốn hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân trên địa bàn tỉnh An Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 170/KH-UBND, ngày 29/3/2022 về phát triển DN công nghệ số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 DN công nghệ số, trong đó, ít nhất có 2 DN công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, địa phương và hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung. Đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 8 DN công nghệ số, trong đó có ít nhất 3 DN làm chủ công nghệ, cung cấp các sản phẩm, giải pháp phần mềm phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số, đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực KTXH và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh tập trung thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, trong đó có các giải pháp thiết thực hỗ trợ DN công nghệ số tiếp cận tín dụng: Chính sách ưu đãi đặc biệt về vốn tín dụng, lãi suất và thủ tục vay cho các DN công nghệ số khởi nghiệp, dự án công nghệ số tiềm năng. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển DN công nghệ số tại địa phương, nhất là khuyến khích phát triển các nhóm DN công nghệ số chủ đạo, như: DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực KTXH chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số; DN công nghệ thông tin đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất... Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, phát triển sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam”. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, các DN tập trung nghiên cứu, triển khai vào thực tế các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực, như: Nông nghiệp công nghệ cao; thương mại điện tử; tài chính - ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Định hướng cho DN công nghệ số trên địa bàn tỉnh đổi mới, chủ động sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ số, cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển KTXH. Khuyến khích các DN công nghệ thông tin - điện tử đã có thương hiệu chuyển chiến lược sản xuất - kinh doanh sang nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam”… Giai đoạn 2026-2030, mở rộng việc phát triển, ứng dụng công nghệ số trong DN ở các lĩnh vực, như: Công nghiệp công nghệ thông tin; viễn thông; an toàn, an ninh mạng; logistics; du lịch số; y tế số; giáo dục và đào tạo.

Quan tâm, phát triển nhân lực công nghệ số. Phát triển thị trường cho DN, sản phẩm công nghệ số, trong đó tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, DN trong tỉnh về phát triển DN công nghệ số; tuyên truyền chiến lược “Make in Vietnam” nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, vai trò quan trọng của DN công nghệ số để tạo sự đồng thuận, quan tâm đối với DN công nghệ số.

Phát triển DN công nghệ số góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và kinh tế số tại địa phương. Tăng cường chuyển đổi số cho các DN là giải pháp quan trọng để DN thích ứng, vượt khó trong đại dịch COVID-19 và tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích