Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu tăng mạnh
Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD. Tháng 7/2024 là tháng đầu tiên trong năm đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hầu hết doanh nghiệp ngành dệt may đến nay đã có đủ đơn hàng sản xuất hết quý III/2024 và đang tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024, mùa cao điểm sản xuất các đơn hàng dịp Noel và Tết Nguyên đán. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8 - 10% so với năm 2023.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), phần lớn doanh nghiệp dệt may hiện đều có đơn hàng ổn định đến hết tháng 10 - 11/2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn và người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn...
Đối với ngành da giày, các tín hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay đang là tiền đề để đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2024 được khoảng 26 - 27 tỷ USD. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định, thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam vẫn đang tập trung vào 5 thị trường chính. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và gia tăng kim ngạch nhập khẩu ngày càng lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày trong nước có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Các ngành xuất khẩu nông sản cũng đang có tín hiệu tích cực. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản trong tháng 7/2024 đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng 7/2023. Trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD (tăng 25,2%), lâm sản 1,4 tỷ USD (tăng 15,8%), thủy sản 880 triệu USD (tăng 13,2%), chăn nuôi 47,4 triệu USD (tăng 9,3%). Riêng đầu vào sản xuất đạt 154 triệu USD (giảm 19,9%). Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 34,27 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sản xuất xanh
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, dựa trên đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn, cũng như những kết quả tăng trưởng tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phục hồi nhanh.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã có chủ trương tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, giải pháp hàng đầu hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua đó, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng những tháng cuối năm là tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số. Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh...
“Có thể thấy, sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin giá cả thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước sở tại... để chủ động phương án khắc phục, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu của thị trường, định hướng cho doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất và xuất khẩu...”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Theo Báo Tin Tức