Chiếc Nokia "cục gạch" được bật sáng như chiếc đèn pin nhỏ. Hắn mở toang cửa sổ. Ngoài trời im phăng phắc. Không một cọng gió. Cũng không một tiếng côn trùng. Nhưng dễ chịu hơn. Trăng cuối tháng mòn vẹt, treo lơ lửng như lưỡi câu liêm sắc lẹm cắt vào ngọn cau. Hắn hít một hơi dài, rồi ra khỏi phòng. Mới quá nửa đêm. Nhưng ngủ nghê gì nữa. Hắn cần cái gì đó man mát để giải khát. Tủ lạnh có lẽ còn bia.
Hắn ngang qua phòng vợ con, cửa mở toang. Hắn liếc vào trong. Tối thui. Nhưng hắn không dám rọi đèn pin vào. Chắc vợ hắn cũng chỉ vừa chợp mắt. Mấy hôm nay con gái bệnh, đêm nào vợ hắn cũng phải thức canh. Hết chườm khăn ấm, lau mồ hôi, lại thay bỉm, cho con bú… Bỗng nhiên hắn cảm thấy sường sượng. Vừa rồi, hắn còn nghĩ chính vợ đã tắt máy lạnh, vì ả vẫn hay tiếc mấy đồng tiền điện.
Hắn mở cánh cửa tủ lạnh. May quá! Vẫn còn những hai lon. Hắn thầm nghĩ, ít ra ả đàn bà tủn mủn, ky cóp là vợ hắn còn được cái khoản này kéo lại. Bia và thuốc lá là hai thứ không thể thiếu với hắn, đều giúp hắn giảm căng thẳng và thăng hoa hơn khi sáng tác. Vợ hắn biết thế nên bao giờ cũng bấm bụng, mua sẵn để đó - trừ những lúc nhẵn túi ra. Không như ba hắn ngày xưa: Bia là thứ cực kỳ xa xỉ. Còn thuốc lá, mỗi lần thèm, ông đều phải ra ngoài mua vài điếu rồi lượn đi đâu đó hút vụng.
Nếu mẹ hắn biết sẽ càm ràm muốn nổ não. Nào là béo bổ gì cái thứ khói trắng giết người đó? Nào là tiền đâu mà đua đòi phì phèo như đám nhà giàu? Nào là đốt thuốc khác gì đốt cả miếng ăn của con cái… Nghĩ lại, hắn bỗng rùng mình. Vợ hắn, dù có ky cóp thật, nhưng cũng không đến nỗi cay nghiệt như thế.
Hắn bật nắp một lon bia, tu ừng ực như uống nước ngọt. Tỉnh cả người. Rồi, hắn lấy cả lon còn lại, mở cửa hậu ra vườn.
Mảnh vườn nhỏ phía sau căn nhà cũ kỹ thật ra là một vườn tượng mà hắn vẫn gọi là "trại sáng tác". Dưới ánh trăng nhạt, những bức tượng mờ ảo hiện ra. To có, nhỏ có, hoàn thiện có, dang dở có.
Hắn ngồi xuống chiếc ghế đá dưới gốc ngọc lan, đặt hai lon bia lên bàn. Hương ngọc lan thoang thoảng, quyện vào với mùi đất sét, mùi composite và chất xúc tác… khiến khuôn mặt hắn như giãn ra. Chưa bao giờ hắn thấy cái mùi ải ải của đất, hăng hắc của hóa chất lại thân thương như lúc này.
Hắn cầm chiếc "đèn pin" đi lòng vòng. Ánh mắt hắn dừng lại ở mỗi tác phẩm, âu yếm như nhìn người tình. Bàn tay hắn chạm vào từng đường nét trên khuôn mặt, trên bờ vai hay từng nếp áo của một bức tượng đầy cảm xúc, như thể đang ve vuốt làn da mịn màng của vợ hắn khi vừa mới yêu. Chính vợ hắn đã phát hiện ra, chỉ khi được một mình với các bức tượng, hắn mới không cau có. Lúc đó, hắn không còn là hắn - gã đàn ông cục súc, lạnh lùng. Hoặc giả, khi đó hắn mới được là chính hắn - dịu dàng, thánh thiện.
Mà thường ngày, hắn có muốn dịu dàng, thánh thiện cũng khó. Có lần, hắn rút gan rút ruột tâm sự với gã bạn thân khi đã ngà ngà say: Hắn muốn thiện, mà đời cứ xô hắn về phía ác. Một gã nghệ sĩ luôn khao khát làm ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực như hắn không thể nào bán rẻ danh dự, lương tâm nghề nghiệp vì miếng ăn. Nhưng vợ hắn không chấp nhận điều đó. Ả cần miếng ăn. Con hắn cũng cần miếng ăn. Bởi thế nên nhiều lần ả điên tiết với chồng chỉ vì hắn từ chối những "miếng mồi" béo bở, những công trình công cộng mà hắn thường nhếch mép gọi là vớ vẩn.
Như con chó cùng đường, hắn quay lại cắn vợ. Cứ thế, dấm dẳng, ngày này qua ngày khác. Thế mà cũng đã ba năm. Ba năm, hắn trở thành một gã đàn ông lầm lì, cộc cằn, quái gở. Râu không cạo. Tóc không cắt. Tối ngày "tự kỷ" nơi góc vườn.
Năm thì mười họa mới có một tay điêu khắc đàn em đến chơi. Mỗi người vài lon bia uống "vã". Hắn vừa nốc bia vừa làm. Tay kia vừa uống vừa xem. Hắn sáng tác như "lên đồng". Cứ thế, cả hai cùng lặng lẽ. Cuối buổi, hắn rửa tay qua quýt rồi vào bếp nướng con mực khô mang ra. Hai "nghệ sĩ chân chính" nhấm nháp mực khô, hỉ hả nói với nhau toàn những câu chuyện nghệ thuật mang tầm thế giới.
Ngoài những lúc đó ra, hắn hoặc là im như thóc, hoặc là cùn như chó với vợ.
Ngày chưa cưới, hắn và nàng yêu nhau đắm đuối. Nàng say cái vẻ lãng tử của hắn, mê cái đam mê của hắn. Nàng có thể ngồi cả buổi ngắm hắn tạo hình một bức tượng từ đất sét. Hắn miệt mài trau chuốt từng đường nét trên gương mặt nhân từ của Phật. Nàng ngồi lặng lẽ ngắm những giọt mồ hôi và từng đường nét trên khuôn mặt hiền khô của hắn. Thi thoảng, hắn ngẩng lên nhìn nàng:
- Em có thấy vẻ mặt tượng Phật có nét giống em không?
- Phật là Phật, em là em. Giống nhau sao được?
Hắn ngắm nàng bằng ánh mắt mơ màng:
- Khuôn mặt em toát lên vẻ dịu dàng, từ bi. Phật là từ bi. Từ bi là Phật.
Má nàng ửng lên dưới làn nắng cuối đông. Nàng nhìn lảng qua chỗ khác, cố giấu đi sự ngại ngùng.
Thế mà, chỉ hai năm sau, khi muốn tả cái thần thái của một bức tượng ác quỷ, hắn lại hình dung ra khuôn mặt vợ mình. Quỷ cái là vợ. Vợ là quỷ cái!
Cạch! Hắn giẫm phải một vật gì đó, làm nó vỡ ra. Nhìn xuống dưới, hắn thấy lổn nhổn đủ thứ. Mảnh thạch cao vỡ, lon bia, chai nhựa, vỏ can hóa chất và đủ thứ linh tinh khác. Lạ thật! Sao suốt mấy năm nay, giữa ban ngày ban mặt, hắn lại không nhìn thấy những ngổn ngang này?
Hắn giật mình nhận ra cái không gian riêng của hắn thật bầy hầy, gớm ghiếc. Nếu nhìn ngang thì đó là một thiên đường với những hình ảnh đẹp đẽ, từ Phật, Chúa, thiên thần, ngọc nữ, đến cả ác quỷ. Tất nhiên, ác quỷ cũng đẹp. Đẹp từ thần thái đến đường nét, hình khối. Nhưng nếu nhìn xuống, không khác gì địa ngục với rác rến khắp nơi. Hắn nhếch mép cười khi trong đầu vừa lóe lên một suy nghĩ rất chi là triết lý: Ranh giới giữa thiên đường và địa ngục mới thật là mong manh.
Hắn bắt tay vào dọn dẹp. Giữa đêm, dưới ánh sáng tù mù từ đèn pin chiếc điện thoại, hắn hì hục bê từng chiếc khuôn xếp gọn vào một góc. Kế đến, hắn vén cho gọn đống đất sét, rồi thu dọn các thứ hầm bà lằng còn lại. Xong xuôi, hắn đứng ngắm một lượt khắp vườn. Bức cô bé H'Mông này nên kê ở dưới gốc cây kia, còn bức thôn nữ gánh nước kia phải kê ở chỗ này. Hắn loay hoay sắp đặt lại hết lượt.
Khi quay trở lại chiếc bàn đá thì lon bia đã hết lạnh. Hắn ngửa cổ đổ thẳng vào họng, rồi ngồi phịch xuống ghế tận hưởng dư vị của hớp bia, tận hưởng cái sinh khí mà hắn vừa mang đến cho khu vườn của mình.
Hắn khoan khoái ngồi vẽ ra trong đầu công việc của ngày mai. Ngày mai, hắn sẽ tạo hình xong bức "Tiều phu xuống núi" và lên cốt sắt cho bức "Ngư ông ngủ gật". Chỉ chừng ba tháng nữa, bộ tượng ngư - tiều - canh - mục của hắn sẽ hoàn thành. Rồi hắn sẽ mở một cái triển lãm nho nhỏ để giới thiệu các tác phẩm mà hắn đã đổ bao mồ hôi, tâm huyết cũng như tiền bạc suốt mấy năm qua.
Vợ hắn rồi cũng sẽ nở nụ cười hãnh diện. Bán được tượng, nợ nần sẽ được trang trải đâu vào đó. Căn nhà sẽ được sửa sang lại. Đặc biệt là chiếc máy lạnh "xi cà que" phòng hắn cũng sẽ được thay mới. Và, vợ hắn sẽ không còn phải cằn nhằn mỗi khi hắn bật máy lạnh suốt đêm.
Mà nghĩ cũng tội. Thật ra thì vợ hắn không phải tệ. Chỉ là nàng bị "sốc nhiệt" khi lấy phải một gã đàn ông đã nghèo còn sĩ như hắn. Số dư tài khoản kha khá mà hắn sắp có sẽ lại làm cho nàng trở nên tươi vui. Và chắc chắn, chuyện ăn uống, sinh hoạt hằng ngày sẽ không còn là nguyên nhân kéo thêm các nếp nhăn trên khuôn mặt vốn héo hon của nàng.
Lúc đó, có lắp thêm vài chiếc máy lạnh, nàng cũng không còn nhăn nhó. À, mà có lẽ chỉ nên lắp một chiếc thật xịn ở phòng nàng. Một cái là đủ. Hắn sẽ lại dọn vào ngủ chung. Lâu rồi, hắn không ngó ngàng gì đến vợ, kể từ khi nàng bầu bì. Con gái hắn giờ đã gần một tuổi.
Hắn với tay lấy lon bia thứ hai, định bật nắp. Nhưng rồi chợt dừng lại. Hắn ý thức rõ ràng, thứ mà hắn thèm lúc này không phải là bia nữa.
Hắn ren rén bước vào phòng vợ. Khi ấy, trời đã tang tảng sáng. Vợ hắn nằm quay vào trong ôm con. Hắn nhẹ nhàng bước lại gần hơn. Con hắn đang ngủ, miệng vẫn ngậm ti mẹ, thi thoảng lại mút mút. Hắn ghé lại gần hơn chút nữa. Bầu ngực vợ hắn tròn căng. Những sợi gân xanh nổi lên nhằng nhịt. Khuôn mặt vợ hắn bơ phờ, gầy rạc, đôi mắt đang thiêm thiếp.
Hắn ngắm vợ con giây lát rồi lặng lẽ trở ra. Vườn tượng của hắn chưa có bức nào tả vợ. Bộ ngư - tiều - canh - mục có thể gác lại.
Hắn "súc miệng" hết lon bia thứ hai, rồi kéo máy hàn và sắt ra, chuẩn bị lên cốt cho một tác phẩm mới.