Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 18-9 đã tới thủ đô Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Triều Tiên và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên trong 11 năm qua.
ổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Sự chào đón xúc động từ Bình Nhưỡng
Những hình ảnh giờ đây trở nên quen thuộc dưới sự theo dõi của cộng đồng quốc tế là những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười rạng rỡ của hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều đã được tái hiện tại sân bay Bình Nhưỡng, khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân Ri Sol Ju ra đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook. Nguồn tin của các hãng truyền thông Hàn Quốc có mặt tại Bình Nhưỡng cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã được hàng chục nghìn người dân Triều Tiên vẫy cờ hoa chào đón, trong đó có lá cờ thống nhất. Một tấm biển lớn ghi dòng chữ “Chúng tôi nhiệt liệt chào đón Tổng thống Moon Jae-in”.
Tổng thống Hàn Quốc và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có hai cuộc gặp Thượng đỉnh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, đều diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Tới Bình Nhưỡng lần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong ngày 18 và 19-9.
Theo giới chức phía Hàn Quốc, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nhà lãnh đạo hai bên dự kiến sẽ cùng nhau thông báo kết quả các cuộc hội đàm Thượng đỉnh trong ngày 19-9 và ngày 20-9, Tổng thống Moon Jae-in sẽ trở về Seoul. Với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, ông hy vọng cuộc gặp sẽ phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa, đồng thời ông muốn thúc đẩy nỗ lực cá nhân để cải thiện quan hệ liên Triều.
Tổng thống Hàn Quốc đang bị đặt dưới sức ép ngày càng gia tăng từ Washington trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Từ trước chuyến thăm Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon Jae-in đã khẳng định mục tiêu thúc đẩy “hòa bình bền vững” liên Triều, đồng thời nỗ lực cải thiện tốt hơn đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington.
“Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ rất ý nghĩa nếu nó giúp thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân Mỹ-Triều. Với Hàn Quốc và Triều Tiên, điều quan trọng cũng là thường xuyên đối thoại và chúng tôi đang hướng tới thời kỳ mà hai bên có thể gặp gỡ bất cứ lúc nào chúng tôi muốn”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh trước giờ lên máy bay tới Bình Nhưỡng.
Dù vậy, những phụ tá của Tổng thống Moon Jae-in lại có động thái nhằm hạ bớt những kỳ vọng quá cao vào việc Hội nghị Thượng đỉnh lần này đạt được bước tiến lớn trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngay khi Tổng thống Moon Jae-in đặt chân tới Bình Nhưỡng, báo Rodong Sinmun- cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng bài viết nói rằng: “Mỹ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự đình trệ trong đàm phán giữa nước này với Triều Tiên. Mỹ đã khăng khăng yêu cầu Triều Tiên phải giải trừ vũ khí hạt nhân trước, vốn là hướng tiếp cận đã bị bác bỏ trong các cuộc đối thoại Mỹ-Triều trước đây”. Bài báo cũng viết rằng, Mỹ đã không thể hiện được thiện chí trong việc xây dựng lòng tin, bao gồm việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên như Washington đã cam kết.
Chính sách Ánh Dương 2.0
Tổng thống Moon Jae-in sẽ được lịch sử Hàn Quốc ghi nhớ là một trong những Tổng thống đã gặp Nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (tại nhiệm từ 1998-2003) đã có cuộc gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2000 tại Bình Nhưỡng. 7 năm sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (tại nhiệm từ 2003-2008) một lần nữa tới Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong-il.
Cả chính quyền của Tổng thống Kim Dae-jung và Tổng thống Roh Moo-hyun đều theo đuổi chính sách Ánh Dương trong quan hệ với Triều Tiền. Dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung, bất chấp những căng thẳng quân sự, ông vẫn nỗ lực đưa gạo, phân bón và hỗ trợ các dự án của Tập đoàn Hyundai tại núi Kim Cương, đồng thời hợp tác với Tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton để nới lỏng các trừng phạt Triều Tiên. Nỗ lực của Tổng thống Kim Dae-jung đã dẫn tới Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử liên Triều đầu tiên năm 2000 và sau đó là cuộc đoàn tụ của hàng trăm gia đình bị ly tán vì chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.
Đến thời Tổng thống Roh Moo-hyun, người đồng cấp tại Mỹ là George W. Bush lại phản đối chính sách “Ánh Dương” của Hàn Quốc. Dù vậy, ông Roh vẫn tiếp tục chính sách này dưới một cái tên khác là “Chính sách của Hòa bình và Thịnh Vượng”. Tổng thống Roh Moo-hyun đã mở khu công nghiệp chung Keasong năm 2004 và quyết định thúc đẩy quan hệ kinh tế với Triều Tiên mà không bị Washington gây nhiều khó dễ. Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần hai giữa Tổng thống Roh Moo-hyun và Nhà lãnh đạo Kim Jong-il năm 2007 đã thông qua Tuyên bố Hòa bình, xác định hợp tác giữa hai bên ở những cấp độ và lĩnh vực khác nhau.
Dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in khi đó từng giữ chức Chánh văn phòng Phủ Tổng thống. Khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Hàn Quốc, chính sách của ông Moon Jae-in hướng tới Triều Tiên được gọi là “Ánh Dương 2.0”. Dù có những khác biệt phù hợp theo thời thế, chính sách Ánh Dương của Tổng thống Moon Jae-in không xa rời những yếu tố cơ bản trong giải quyết các mối quan hệ liên Triều, đó là hợp tác kinh tế và thúc đẩy gắn kết con người.
Tổng thống Moon Jae-in có sự thận trọng hơn khi đảm bảo minh bạch việc hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Moon Jae-in cũng mong muốn nhận được ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế hoặc sự ủng hộ đã phương cho các cam kết của mình với Triều Tiên. Điều này rất khác với Tổng thống tiền nhiệm Roh Moo-hyun, vì ông Moon Jae-in không hề tạo ra khoảng cách với đồng minh Mỹ. Tổng thống Moon Jae-in chắc chắn muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên, song điều này vẫn còn phụ thuộc cả vào Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok cho rằng, rất khó để có triển vọng lạc quan trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần này. Ông Im Jong-seok kỳ vọng nhất vào việc Hội nghị Thượng đỉnh sẽ đạt được những thỏa thuận ý nghĩa xóa bỏ những nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.
Theo HOÀNG LÊ (VOV)