Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNBC, sau khi được thông qua cả ở Hạ viện và Thượng viện, dự luật này sẽ được trình Tổng thống Joe Biden.
Ông Biden dự kiến ký thành luật vào ngày 2/6 (giờ Mỹ), chỉ ba ngày trước khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Dự luật về trần nợ công đã được Thượng viện thông qua với đủ số phiếu bầu từ các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa để vượt qua ngưỡng 60 phiếu bầu, nhờ đó tránh được tình trạng "câu giờ".
Thông thường, Thượng viện thường mất tới nhiều ngày, chứ không phải nhiều giờ, để cân nhắc và sửa đổi các dự luật mà Hạ viện đưa lên. Do đó, lần bỏ phiếu này về dự luật trần nợ công là nhanh khác thường.
Cụ thể, tối 1/6 (giờ Mỹ), Thượng viện đã bỏ phiếu bác bỏ 11 đề xuất sửa đổi đối với dự luật nâng trần nợ công (hay còn gọi là Đạo luật Trách nhiệm Tài chính) mà Hạ viện đã thông qua, sau đó Thượng viện cuối cùng đã bỏ phiếu để thông qua dự luật.
Động lực đằng sau các cuộc bỏ phiếu tăng cường rất đơn giản: Chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn chót 5/6 để nâng hoặc đình chỉ trần nợ, nếu không Mỹ sẽ vỡ nợ.
Thời hạn 5/6 do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra. Bà cho rằng chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ không thể đáp ứng nghĩa vụ trả nợ sau ngày này, trừ khi Quốc hội bỏ phiếu tăng giới hạn nợ.
Trước đó, dự luật này được thông qua tại Hạ viện sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Biden nhất trí được một thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào ngày 27/5.
Dự luật được chuyển qua Hạ viện trong vòng chưa đầy 72 giờ và được thông qua vào tối 31/5 (giờ Mỹ) với đa số phiếu thuận, tỷ lệ là 314 - 117. Tỷ lệ bỏ phiếu này đã gây ngạc nhiên cho lãnh đạo Hạ viện của cả hai bên khi số thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bỏ phiếu cho dự luật nhiều hơn số thành viên của đảng Cộng hòa.
Tại Thượng viện, cuộc bỏ phiếu cuối cùng cũng cần lưỡng đảng hợp tác, nhưng cũng không phải là một bước đi dễ dàng.
Lãnh đạo phe đa số Chuck Schumer đã dành phần lớn thời gian trong ngày 1/6 để thảo luận về một thỏa thuận với một nhóm nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện. Những người này yêu cầu ông cam kết hỗ trợ dự luật tài trợ quốc phòng bổ sung trước khi họ đồng ý đẩy nhanh dự luật trần nợ.
Dự luật trần nợ hiện tại của Hạ viện cung cấp 886 tỷ USD chi tiêu quốc phòng cho năm tài chính 2024, tăng 3% so với năm trước. Con số đó tăng lên 895 tỷ USD vào năm 2025, tương đương tăng 1%. Nhưng Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins đã gọi điều này là không thỏa đáng, cho rằng mức tăng 1% không theo kịp lạm phát, vì vậy về mặt thực tế, đó chính là giảm ngân sách quân sự.
Giải pháp được đưa ra dưới dạng một tuyên bố chung giữa ông Schumer và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell và tuyên bố được đọc tại Thượng viện.
Ông Schumer đọc tuyên bố có nội dung: “Thỏa thuận trần nợ này không hạn chế khả năng của Thượng viện trong việc phân bổ quỹ bổ sung khẩn cấp để đảm bảo khả năng quân sự của chúng ta… Mức trần nợ này cũng không hạn chế khả năng của Thượng viện trong việc phân bổ quỹ bổ sung khẩn cấp và ứng phó với các vấn đề quốc gia khác nhau, chẳng hạn như cứu trợ thiên tai, chống khủng hoảng fentanyl hoặc các vấn đề quan trọng khác của quốc gia”.
Thông điệp là rõ ràng: Bất kể dự luật nói gì, Thượng viện sẽ tiếp tục chi tiền vượt mức đó để tài trợ cho những gì các thành viên cho là quan trọng.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)