Tích cực phát huy lợi thế giao thông “kép”

20/03/2023 - 07:51

 - Từ đầu năm đến nay, lượng khách từ các nơi đến với An Giang ngày càng đông. Đây là khởi sắc cho ngành du lịch tỉnh nhà. Nhưng theo đó, áp lực lên hạ tầng giao thông và nhất là tình trạng mất trật tự giao thông tăng đáng kể…

Trước thực tế này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang chủ động phối hợp các ngành chức năng tìm nhiều giải pháp khắc phục, cùng với tăng cường bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát. Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phú Tân cho biết, ngoài tuyên truyền rộng khắp về an toàn giao thông, ngành còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề duy tu, sửa chữa đường sá, trang bị phao tiêu, biển báo, đèn tín hiệu… Tuy nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng ngành vẫn phấn đấu xúc tiến thi công ngay ở những nơi dễ xảy ra tai nạn…

Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 153km; 19 tuyến tỉnh lộ dài 530km và hệ thống đường giao thông nông thôn được phủ kín khắp các khóm/ấp với tổng chiều dài gần 4.300km.

Mặt khác, hệ thống giao thông thủy nội địa có 18 tuyến do Trung ương quản lý (365km), 22 tuyến do tỉnh quản lý (512km), 278 tuyến do huyện quản lý (1.823km), cùng một số tuyến đường chính trên sông Hậu, sông Tiền, Vàm Nao, Rạch Giá - Long Xuyên… Từ đó cho thấy, hệ thống thủy, bộ luôn đan xen, hỗ trợ nhau, trong đó hệ thống giao thông thủy góp phần vận chuyển hàng hóa hơn 80% và đây là nét khác biệt ở An Giang.

Nhằm phát huy tốt hệ thống giao thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2605/QĐ-UBND, ngày 8/1/2021 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông đường thủy và đường bộ của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mà nhiệm vụ trọng tâm gắn với những đề xuất của ngành GTVT đã trình lên Bộ GTVT.

Trước hết là tranh thủ để Bộ GTVT sớm công nhận Quốc lộ 80B đi qua địa phận tỉnh An Giang (gồm các tuyến Tỉnh lộ 942, 954, 952) dài khoảng 90km nhằm tạo hành lang phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Nam sông Tiền.

Kế đến là đề xuất Bộ GTVT ủy thác toàn tuyến Quốc lộ 91 đi qua địa phận tỉnh (93km) cho địa phương quản lý, nhằm chủ động trong việc quản lý, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông. Hiện, Sở GTVT chỉ nhận ủy thác 16km, đoạn qua tuyến km 51- km 67 (qua nội ô TP. Long Xuyên). Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư xây dựng dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 (đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và nguy cơ gây tai nạn giao thông.

An Giang mong muốn Bộ GTVT sớm đầu tư cầu Tân Châu - Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) bắc qua sông Tiền (tuyến N1); cầu Tôn Đức Thắng bắc qua sông Hậu, nối liền TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng và cầu Năng Gù bắc qua sông Hậu. Đây là những vấn đề cấp bách phục vụ thiết thực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khi ĐBSCL đang được Trung ương dồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, để tăng kết nối vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế.

Ông Nguyến Phú Tân cho biết, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến tỉnh lộ, kết nối với quốc lộ và đường cao tốc. Mặt khác, ngành cũng tiếp tục thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Theo kế hoạch, phấn đấu xã hội hóa hoàn thành ít nhất 160 cây cầu. Riêng một số công trình giao thông trọng điểm được Trung ương phân bổ vốn đầu tư, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông thôn thực hiện vai trò chủ đầu tư.

Sở GTVT An Giang với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương, sẽ phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan triển khai các dự án đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở GTVT chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất lượng, quy hoạch xây dựng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp thất thoát, lãng phí, cũng như quyết tâm đảm bảo hiệu quả tốt trong đầu tư xây dựng.

T.V