Tiếng chổi tre ở xứ lụa Tân Châu

23/02/2022 - 09:28

 - Trong không gian tịch tĩnh, tiếng chổi tre của những chị phụ nữ Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) đã làm xao xuyến bao người. Dù mưa hay nắng, họ vẫn cần mẫn quét, thu dọn rác… góp phần làm cho phố xá luôn sạch đẹp.

Những phụ nữ cần mẫn

Mờ sáng, trời còn chưa tỏ mặt người, chị Nguyễn Thị Mai Linh, công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu xách chổi tre và đẩy xe thùng đến những cung đường quanh đô thị để quét và thu gom rác. Tiếng chổi khua mặt đường loẹt xoẹt vang vọng giữa lúc thanh vắng đã đánh thức biết người dân xứ lụa.

Đoạn bờ kè ven sông Tiền, thuộc khu hành chính TX. Tân Châu luôn sạch đẹp là nhờ một phần có sự đóng góp của chị Linh

Lâu lâu, chị Linh nghỉ xả hơi, rồi trải lòng. Trước đây, chị sống bằng nghề thợ nấu ăn. Có nhiều năm kinh nghiệm, nên chị được nhiều người thuê phục vụ cho các tiệc cưới hỏi, với số tiền từ 300.000 - 350.000 đồng/tiệc. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát khắp nơi, dẫn đến cái nghề nấu ăn của chị chịu cảnh ế ẩm, ảnh hưởng nặng nề thu nhập gia đình. Trong khi đó, chồng của chị Linh đang thất nghiệp, không thể giúp được gì.  

“Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên tôi đã làm đơn xin vào làm công nhân quét rác ở Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu vào tháng 6 năm ngoái. Lương của công nhân quét rác tuy không cao bằng nghề nấu ăn hay một số nghề khác, nhưng bù lại có thu nhập ổn định. Tôi mong muốn gắn bó lâu dài với công việc này...”- chị Linh bày tỏ.

Chị Linh cùng những nữ công nhân khác thường xuyên được huy động đến quét, thu gom rác dưới chân bờ kè để du khách có chỗ “check in” sạch đẹp.

Khi mặt trời qua khỏi “ngọn tre” cũng là lúc chị Linh đã quét rác sạch sẽ các tuyến đường quanh khu vực hành chính. Sau đó, chị tranh thủ đưa số rác quét đến điểm tập kết, rồi tất tả đi chợ mua mớ rau, con cá về lo buổi cơm gia đình. Nghỉ ngơi được vài tiếng đồng hồ, chị Linh tiếp tục đi làm ca chiều cho đến khoảng 15 giờ mới trở về nhà. Công việc của chị cũng như những công nhân vệ sinh khác  cứ quay vòng theo năm tháng.

“Ở đây, có một số người vẫn còn vô tư quăng đủ thứ rác từ hộp cơm cho đến thức ăn thừa xuống bờ kè rồi lăn xuống tận mé sông. Chính vì vậy, không lâu sau đó lãnh đạo xí nghiệp phải huy động nhiều công nhân ở nhiều khâu khác nhau đến khu vực này quét, nhặt rác. Riêng những nam công nhân có sức khỏe dẻo dai thì nhận nhiệm vụ xuống sông ngâm mình vớt lục bình hoặc rác thải để tạo môi trường của thị xã luôn sạch đẹp"- chị Linh thông tin.

Không ngại khó

Chị Võ Thị Ngọc Loan, công nhân Tổ Chăm sóc công viên cây xanh cho biết, trước đây chị là thợ dệt tơ tằm khéo tay, nổi tiếng ở xứ lụa Tân Châu. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 cơ sở dệt bị gián đoạn liên tục. Không còn thu nhập để nuôi sống gia đình, chị Loan bắt đầu tính đến chuyện xin vào Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu để cùng chồng phụ trách mảng chăm sóc công viên cây xanh.

Không những làm đẹp cho đường phố mà Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu còn huy động lực lượng đi vớt lục bình, rác thải ven sông

“Tôi vô cùng cảm kích khi được lãnh đạo xí nghiệp chấp thuận cho tôi vào làm việc. Được làm việc với ông xã trong cùng một mảng, nên dù mới vào được 1 năm nhưng tôi đã rành công việc. Ngoài làm mảng công viên cây xanh, khi xí nghiệp phân công hỗ trợ anh em mảng khác đi thu gom rác thải và lục bình ở bờ kè khu hành chính thị xã, vợ chồng tôi vẫn hăng hái tham gia”- chị Loan chia sẻ.

Đã hơn 10 năm gắn bó với Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu, anh Phạm Văn Anh Tuấn, công nhân Tổ Thoát nước cho biết, những ngày đầu vào xí nghiệp, anh Tuấn được giao nhiệm đi sửa chữa, bảo trì hệ thống chiếu sáng công cộng ở khắp các công viên, đường phố. Khoảng 2 tháng sau, anh Tuấn được điều động sang Tổ Vệ sinh, nhưng phụ trách khâu kiểm tra, sửa chữa xe thu gom, vận chuyển rác. Từ năm 2015 đến nay, anh Tuấn được phân công sang phụ trách mảng thoát nước để xử lý các điểm nghẽn các đường cống hay hố gas.

Anh Tuấn cùng nhiều công nhân khác luôn trong tư thế sẵn sàng giải quyết các điểm nghẽn tại các đường cống thoát nước

“Công việc này tương đối vất vả, bởi anh em phải làm việc bất cứ lúc nào khi nhận được tin báo từ người dân hay lãnh đạo xí nghiệp. Cái khó nhất chính là một số hộ dân đổ bê- tông ngang mặt cống để làm đường cho xe chạy vô sân nhà. Những trường hợp như vậy anh em phải chịu khó ngồi đục đẽo từng mảnh bê- tông rồi chui xuống bên dưới để lên phương án khắc phục, xử lý. Nói chung, khi đã xác định là công nhân môi trường thì chúng tôi không ngại làm bất cứ công việc gì do đơn vị giao phó”- anh Tuấn chia sẻ và khẳng định rằng, chính sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của lãnh đạo Thị ủy, UBND TX. Tân Châu cũng như đơn vị là động lực để mỗi công nhân môi trường phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lắp camera xử lý người bỏ rác bừa bãi

Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ nhận xét, những công nhân môi trường thuộc Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nên được chính quyền và người dân tin tưởng, thương mến.

“Tôi đánh giá rất cao tinh thần và thái độ phục vụ của anh em công nhân môi trường vì mỗi khi nhận được phản ánh từ người dân thì mọi người đều làm việc rất khẩn trương. Hình ảnh anh em đi nạo vét cống rãnh, hố gas, quét rác hay cát đá rơi vãi trên vỉa hè, lòng đường hay chăm sóc cây xanh, nhất là vào những tháng mùa mưa thật cảm động.

Đặc biệt hơn nữa, vào các dịp lễ hội đường phố ở TX. Tân Châu luôn sáng, đẹp vì được anh em quan tâm bảo trì. Tôi rất mong Xí nghiệp Môi trường đô thị TX. Tân Châu tiếp tục giữ vững “phong độ” này để đường phố, bờ kè ven sông luôn sạch đẹp”- ông Vệ kỳ vọng.

Ông Vệ cũng nói rằng sẽ tiếp tục tuyên truyền, cũng như chỉ đạo xử lý nhanh các điểm nóng phát sinh về rác thải. Thời gian tới, UBND TX. Tân Châu sẽ đề nghị 2 địa phương ở khu vực trung tâm là phường Long Thạnh và Long Châu cho lắp camera để “xử nguội” những trường hợp cố tình bỏ rác bừa bãi, trừ khách vãng lai hoặc người bị bệnh tâm thần.

Bài và ảnh: THANH VÂN