Tiếp nối hào khí Bảy Thưa

05/04/2018 - 06:53

 - Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của binh Gia Nghị do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng và chỉ huy là niềm tự hào của người dân huyện Châu Phú (An Giang) về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Đó là mốc son quan trọng khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tiếng vang nghĩa binh Gia Nghị

Trần Văn Thành thuộc tầng lớp quan lại triều Nguyễn, là một trong những người ở An Giang chống Pháp ngay từ buổi đầu. Trần Văn Thành quê ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, Tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Bình, Phú Tân). Ông là một trong những đại đệ tử của Giáo chủ Bửu Sơn Kỳ Hương Đoàn Minh Huyên.

Năm 1840, Trần Văn Thành gia nhập quân đội triều Nguyễn, được phong Suất đội, chỉ huy 50 binh sĩ. Đến năm 1845, ông được thăng chức Chánh Quản cơ, chỉ huy 500 binh sĩ đóng quân ở Châu Đốc.

Năm 1867, khi quân Pháp chiếm An Giang, căm phẫn trước tội ác của quân giặc, Trần Văn Thành quy tụ nghĩa sĩ yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh rút vào vùng đồng trũng Láng Linh lập chiến khu Bãi Thưa, ngày ngày rèn đao, đúc kiếm, xây dựng căn cứ, phối hợp nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực chống Pháp.

Năm 1872, thực dân Pháp phát hiện kế hoạch khởi nghĩa của Trần Văn Thành, chúng cho mật thám vào Láng Linh để điều tra hoạt động của căn cứ. Biết bị bại lộ, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa, lấy hiệu “Binh Gia Nghị” tuyên bố chống Pháp.

Tháng 6- 1872, quân Pháp mở cuộc tiến công vào căn cứ Bảy Thưa, vì không chịu được kiểu đánh du kích, chúng tìm mọi cách mua chuộc Trần Văn Thành, nhưng với tấm lòng son sắt cùng đất nước và Nhân dân Trần Văn Thành kiên quyết không hợp tác. Không để nghĩa binh lớn mạnh thêm, ngày 20-3-1873 (nhằm 21-2 âm lịch), quân Pháp dốc toàn lực tấn công vào căn cứ chính của nghĩa binh, càn quét từ nhiều phía bằng nhiều loại vũ khí hiện đại.

Cuộc chiến diễn ra ác liệt, dù binh Gia Nghị trên dưới một lòng, nhưng chỉ chiến đấu bằng giáo mác, vũ khí thô sơ nên nghĩa binh thất thủ, Trần Văn Thành hy sinh.

Tưởng nhớ công lao khai hoang, phục hóa và chống giặc ngoại xâm của Quản cơ Trần Văn Thành, năm 1952, Nhân dân trong vùng xây dựng đền thờ ông tại Láng Linh (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú).

Đến năm 1986, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.

Tiếp nối hào khí Bảy Thưa

Người dân quy tụ về đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành nhân lễ hội hàng năm

Tưởng nhớ và tiếp nối

Tuy Quản cơ Trần Văn Thành đã ra đi và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thất bại nhưng tiếng vang về lòng yêu nước của nghĩa binh Gia Nghị ngày ấy vẫn sống mãi.

Tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước của Quản Cơ Trần Văn Thành, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Nhân dân Châu Phú một lòng theo Đảng chống giặc, kiên cường, bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khổ, không tiếc hy sinh xương máu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, ngày 28- 5- 2010, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Châu Phú thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Đó là niềm cổ vũ và động viên to lớn cho Nhân dân Châu Phú tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương ở thời bình.

Để nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước, ra sức xây dưng quê hương, năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày giỗ của Quản cơ Trần Văn Thành, huyện Châu Phú đã quyết định chọn ngày 21-2 (âm lịch) hàng năm tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống của huyện, kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Để tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan nhân dịp Lễ hội văn hóa truyền thống huyện lần thứ XVI, kỷ niệm 145 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa năm nay, bên cạnh phần lễ chính ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, còn có phần hội, với nhiều hoạt động văn hóa-  văn nghệ, thể dục- thể thao, trò chơi dân gian, hội thi bonsai… tạo không khí náo nhiệt, sôi nổi phục vụ người dân.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách phương xa đến viếng đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, UBND xã Thạnh Mỹ Tây đã lắp đặt 120 hộp đèn hoa dọc tuyến lộ từ kênh 7 đến kênh 13, làm bảng chỉ đường và sửa chữa các tuyến đường dẫn đến đền thờ”.

MỸ LINH